MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao 'cơn sốt' điện mặt trời vẫn chưa 'hạ nhiệt'?

Phó Cục trưởng Cục Năng lượng và Tái tạo, ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh, ngoài việc là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà còn có tính phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất trong quá trình truyền tải cũng như phân phối.

Tại hội thảo chuyên đề Năng lượng thông minh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020, ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương đã đặt ra vấn đề: Nghị quyết 55-NQ/TW do Bộ Chính trị đã ban hành đã đề ra những chủ trương quan trọng về phát triển năng lượng, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn cung năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Vậy vai trò các nguồn cung năng lượng sạch và tái tạo trong tiến trình đô thị hoá và phát triển đô thị hiện nay là gì?

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng và Tái tạo, ông Đỗ Đức Quân đã nhận định, hiện nay, năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió, năng lượng mặt trời phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này và trong những năm vừa qua, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ.

Phó Cục trưởng Đỗ Đức Quân nhấn mạnh, Nghị quyết 55 chính là động lực, định hướng mạnh mẽ để ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam diễn ra rất nhanh. Một phần bởi mật đô dân cư trong các khu đô thị, khu công nghiệp của Việt Nam rất lớn. Đây cũng là những khu vực tập trung nhiều các hoạt động kinh tế - xã hội, do vậy nhu cầu sử dụng năng lượng cũng rất cao. Ví dụ, năm 2019, Hà Nội chiếm 9,35% và TP. HCM chiếm 12,43% tổng lượng tiêu thụ điện trên cả nước.

"Muốn giảm giá thành, muốn phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế khác thì cần phải sử dụng các nguồn năng lượng hiệu quả, hợp lý, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Hiện nay, nguồn điện phân tán như điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp rất quan trọng. Ngoài việc là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời mái nhà còn có những ưu điểm như: có tính phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất trong quá trình truyền tải cũng như phân phối", Phó Cục trưởng khẳng định.

Theo đó, Phó Cục trưởng khuyến khích các thành phần kinh tế, các hộ gia đình tham gia vào đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến giá mua, bán điện đối với các hệ thống điện mái nhà nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Nhìn chung, phát triển điện mặt trời mái nhà là một nội dung rất quan trọng và tích cực trong vấn đề đô thị hoá hiện nay.

Liên quan đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng xanh tại các khu đô thị, khu kinh tế, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chân Mây LNG, ông John Rockhold chia sẻ, hiện nay, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam đã hướng đến sử dụng năng lượng sạch, xanh với công nghệ tân tiến, hiện đại. Việc đầu tư phát triển năng lượng thông minh ban đầu sẽ tốn kém, nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Điển hình như khi các khu công nghiệp có môi trường năng lượng thông minh sẽ có thể gia tăng sự cạnh tranh, thu hút sự đầu tư nhiều hơn.

Ông kết luận, năng lượng xanh giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí thông qua năng lượng tái tạo, nâng cao GDP, nâng cao môi trường kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cao hơn của các tầng lớp trung lưu.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên