Vì sao cộng đồng mạng Trung Quốc hào hứng cảm ơn "đồng chí Trump Dựng nước"?
Nhiều ý kiến nói rằng các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành "chất xúc tác" cho công cuộc cải cách ở Trung Quốc.
Tổng thống Trump có nhiều phát ngôn chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, song nhiều người dùng mạng nước này vẫn cho rằng ông là "năng lượng tích cực", được ví như "chất xúc tác" cần thiết cho công cuộc cải cách của Bắc Kinh.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trên các mạng xã hội và cả một số diễn đàn học thuật của Trung Quốc, nguyên thủ Mỹ được nhiều người dùng nhắc đến với biệt danh "đồng chí Chuan Jianguo" - có nghĩa là "Trump Dựng nước".
Những khen ngợi dành cho ông Trump xuất phát từ nhận định rằng bằng việc khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã tình cờ buộc Bắc Kinh thúc đẩy chương trình cải tổ trong nước nhằm ứng phó với tác động của thương chiến.
Wang Manchuan - trưởng khoa Hành chính công thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc, chánh văn phòng Hội nghiên cứu cải cách thể chế hành chính, giáo sư Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc - mới đây đã đề cập hiện tượng nickname của tổng thống Mỹ tại Trung Quốc.
"Người dùng mạng Trung Quốc gọi ông Trump là "Trump Dựng nước," ông Wang nói trong một hội thảo hôm 20/11 về ưu tiên phát triển đất nước sau Hội nghị toàn thể trung ương 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc (28-30/10).
"Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là xử lý tốt các vấn đề của chính mình, và Hội nghị trung ương 4 tất nhiên đã thảo luận về quan hệ Mỹ-Trung, nhưng ông Trump không có đủ tầm quan trọng để được đề cập trong các tài liệu của Hội nghị 4."
"Ưu thế của Trung Quốc là có thể chọn lọc, vì vậy chúng ta sẽ rút ra bài học từ những hệ thống hữu ích của phương Tây, nhưng ta sẽ không chấp nhận chúng hoàn toàn," Wang nói.
Trong khi quan hệ đối thủ chiến lược giữa Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng, cộng đồng mạng Trung Quốc đã sử dụng biệt danh "Trump Dựng nước" như một cách chế giễu những chính sách của ông Trump đang làm tổn hại lợi ích Mỹ và có lợi cho Trung Quốc.
Bên cạnh thương chiến, hai nước còn có bất đồng trong một loạt vấn đề như tình hình biển Đông, vấn đề Tân Cương hay biểu tình ở Hồng Kông.
Wang Xiaoguang, phó trưởng khoa Kinh tế ở Trường đảng trung ương Trung Quốc, nhận xét việc chính phủ Mỹ áp đặt các hạn chế đối với hãng viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã trở thành động lực để phát triển chuỗi cung ứng, nghiên cứu, phát triển và sáng tạo trong nước.
"Triển lãm nhập khẩu của Trung Quốc là một bước tiến nữa để mở rộng cửa với thế giới bên ngoài," ông nói. "Cải cách và mở cửa của Trung Quốc không thể chậm lại, và phải được tăng tốc. Từ góc độ này, có thể thấy Trump đã giúp Trung Quốc rất nhiều."
Trên một số mạng xã hội, nhiều người nói đùa rằng ông Trump là một "điệp viên" của Bắc Kinh cài vào Mỹ, và cuộc điều tra luận tội chống lại ông hiện nay là một cách để làm suy yếu nước Mỹ.
"Nếu Trung Quốc có thể biến khủng hoảng thương chiến thành cơ hội để đi sâu cải cách và mở cửa, và tập trung nỗ lực vào xử lý những vấn đề của chính mình, thì tôi thực sự phải cảm ơn đồng chí Trump Dựng nước," một người dùng mạng viết trên Weibo.
Trên Zhihu, một người khác bình luận rằng ông Trump đã giúp thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc thông qua nhiều phát ngôn, như hồi năm 2017 ông nói rằng bán đảo Triều Tiên "thực ra từng là một phần của Trung Quốc", hay việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris đã trao cho Trung Quốc thêm ảnh hưởng ở các diễn đàn thế giới.
Trí thức trẻ