MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Covid-19 khiến người già hạnh phúc hơn còn người trẻ lại bất hạnh hơn?

23-03-2021 - 10:02 AM | Tài chính quốc tế

Vì sao Covid-19 khiến người già hạnh phúc hơn còn người trẻ lại bất hạnh hơn?

Người già trở nên hạnh phúc hơn, trong khi người trẻ tuổi gặp nhiều bất hạnh hơn.

Đại dịch Covid-19 đã biến cuộc sống của Park Ha-young, sinh viên Đại học Quốc gia Seoul, trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Cô đã dành phần lớn năm 2020 để lo lắng về đại dịch và khả năng lây lan của nó: "Tôi vô cùng sợ hãi khi là người gây ra một đợt bùng phát lớn cho cộng đồng". Sự tự do của cô đã bị hạn chế nghiêm ngặt. Chính phủ sẽ quyết định liệu cô ấy có thể gặp bạn bè hoặc tham gia các lớp học hay không, và điều này khiến cô vô cùng thất vọng và không thể lập kế hoạch trong thời gian đó. Cô bắt đầu lo lắng về việc tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các chính trị gia và quan chức thường xuyên nói về cách Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Nhưng đối với hầu hết mọi người, đó là những lo lắng trừu tượng. Bởi những gì họ thực sự phải trải qua mỗi ngày là những cảm xúc cá nhân - đó là sự lo âu, buồn bã, hoặc vui vẻ, lạc quan nếu họ cảm thấy may mắn.

Gallup, một nhà thăm dò ý kiến, đã thực hiện 1 cuộc thăm dò. Câu hỏi phổ biến nhất là yêu cầu mỗi người tưởng tượng ra một cái thang, với các bước được đánh số từ không đến mười. Nấc trên cùng tượng trưng cho cuộc sống tốt đẹp nhất mà họ có thể tưởng tượng được, nấc dưới cùng tượng trưng cho cuộc sống tồi tệ nhất. Hiện tại, bạn đang dừng ở nấc thang nào?

Câu trả lời của mọi người cho câu hỏi đó, được gọi là bậc thang Cantril, nhằm đo lường mức độ hạnh phúc của thế giới trước và sau khi đại dịch xảy ra. Điểm số được tính toán trung bình trên 95 quốc gia, không tính theo dân số, tăng không đáng kể từ 5,81 điểm trong giai đoạn 2017-19 lên 5,85 vào năm 2020. Nhưng đã có một sự thay đổi về trạng thái cảm xúc giữa các nhóm tuổi. Covid-19 đã làm cho những người già vui vẻ hơn. Sự hạnh phúc dường như đã biến mất ở một số quốc gia, trong khi lại được tích luỹ ở một vài quốc gia khác.

Covid-19 gây ra nhiều hiểm hoạ cho người già hơn so với người trẻ, bởi cứ thêm 8 tuổi thì nguy cơ tử vong sau khi mắc bệnh lại tăng gấp đôi. Tuy nhiên, người già dường như cảm thấy vui vẻ hơn. Trên toàn cầu, trong giai đoạn 2017-19 và 2020, chỉ số hạnh phúc đã tăng 0,22 điểm trên thang Cantril đối với những người trên 60 tuổi. Celina Beatriz Gazeti dos Santos, nhà tâm lý học 64 tuổi ở São Paulo, đã tính đến danh sách những điều có thể khiến tâm trạng của bà tồi tệ đi - bao gồm đại dịch, tham nhũng tràn lan, một chính phủ không tốt và sự bất hạnh của những người khác. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng qua thời gian, bà ngày càng vui vẻ và lạc quan hơn trước.

Ở Anh, một quốc gia từng có chỉ số hạnh phúc vô cùng tuyệt vời, năm vừa rồi đã chứng kiến sự sụt giảm, nhưng sự sụt giảm ở một số nhóm tuổi lớn hơn các nhóm khác. Trước dịch, tại Anh và một số quốc gia giàu có khác, mọi người bắt đầu cuộc sống trưởng thành trong trạng thái vui vẻ. Họ trở nên hoang mang hơn ở tuổi trung niên. Sau đó, sau khoảng 50 tuổi, họ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc trở lại. Tuy nhiên, khi đã già, họ lại quay trở về tình trạng không mấy vui vẻ.

Vì sao Covid-19 khiến người già hạnh phúc hơn còn người trẻ lại bất hạnh hơn? - Ảnh 1.

Mức độ hạnh phúc đối với mỗi nhóm tuổi đã chứng kiến sự đảo chiều mạnh mẽ ở nước Anh (Nguồn: The Economist)

Nhưng hiện nay, mô hình này đang là một đường dốc đi lên. Người trẻ kém hạnh phúc hơn so với người trung niên, và người trung niên thì kém hạnh phúc hơn so với người già. Điều này có thể là hệ quả từ chương trình tiêm chủng của Anh, mà sẽ tiêm phòng cho người già trước tiên. Nhưng mô hình này, thực tế đã xuất hiện từ năm ngoái. Nhiều tháng trước khi người Anh quen với những cái gọi là "Pfizer" và "AstraZeneca" (các loại vắc - xin phòng ngừa), một sự thay đổi đã diễn ra.

Phần mềm hội nghị trực tuyến đã cho phép nhiều người già giữ liên lạc với gia đình của họ, mà đôi khi còn thuận lợi hơn so với trước đại dịch. Ở những quốc gia bị phong toả, những người cao tuổi rất vui khi biết rằng xã hội đã hy sinh để bảo vệ họ. Và như John Helliwell, một nhà kinh tế học tại Đại học British Columbia, người đã viết một phần trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, đã chỉ ra rằng, người già đang cảm thấy khỏe mạnh hơn. Trên toàn cầu, 36% nam giới trên 60 tuổi cho biết họ gặp vấn đề về sức khỏe vào năm ngoái, một mức giảm so với con số 46% của ba năm trước đó. Ở phụ nữ, tỷ lệ người có vấn đề về sức khỏe giảm từ 51% xuống 42%. Người già có lẽ không thực sự khỏe mạnh hơn. Đúng hơn, Covid-19 đã thay đổi thước đo. Họ cảm thấy khỏe mạnh hơn vì bản thân đã tránh được một căn bệnh chết người.

Trong khi đó, những người trẻ đã có một năm vô cùng khó khăn. Nhiều người đã mất việc làm và ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 20 đến 24 tuổi đã tăng từ 6,3% vào tháng 2 năm 2020 lên 25,6% trong hai tháng sau đó (tuy nhiên đã trở về mức 9,6% vào tháng trước). Ở một số nước giàu, phụ nữ trẻ đã có một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn. Họ thường làm việc trong các lĩnh vực bị ngừng hoạt động, chẳng hạn như khách sạn. Khi các trường học đóng cửa, phụ nữ buộc phải chịu nhiều trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc con cái.

Họ cũng có cuộc sống xã hội bận rộn. Những người có mối quan hệ rộng rãi, thật ngạc nhiên, sẽ phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn hơn cả. Một nghiên cứu ở Anh của Ben Etheridge và Lisa Spantig đến từ Đại học Essex, cho thấy rằng những phụ nữ có từ bốn người bạn thân trở lên sẽ cảm thấy tồi tệ hơn bất kỳ ai trong giai đoạn phong tỏa của mùa xuân năm 2020. Xiaowei Xu của Viện Nghiên cứu Tài chính cho biết: "Những người quen gặp gỡ bạn bè sẽ không thể chịu nổi việc bị buộc ở trong nhà thời gian dài, và phụ nữ và những người trẻ chính là nhóm người có nhiều bạn bè hơn cả".

Một số quốc gia có kết quả tốt hơn những quốc gia khác. Trong khi chỉ số hạnh phúc của người Anh sụt giảm vào năm 2020, thì Đức đã thăng hạng từ quốc gia hạnh phúc thứ 15 trên thế giới lên thứ 7. Nước Anh đã phải chịu đựng các đợt phong tỏa kéo dài và tỷ lệ tử vong vượt quá 190 trên 100.000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tỷ lệ tử vong cao nhất của Đức chỉ là 77 trên 100.000. Trong hầu hết năm 2020, Đức đã chiến đấu với Covid-19 tốt hơn nhiều so với hầu hết châu Âu, mặc dù nước này cũng đang thất bại với chiến dịch tiêm chủng - mà như tờ Bild đã giật tít: "Thân gửi nước Anh, chúng tôi ghen tị với bạn".

Vì sao Covid-19 khiến người già hạnh phúc hơn còn người trẻ lại bất hạnh hơn? - Ảnh 2.

Các quốc gia đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong xếp hạng hạnh phúc (Nguồn: The Economist)

Đáng chú ý là những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc trước đại dịch vẫn giữ vững vị trí của mình. Ba quốc gia xếp hạng cao nhất vào năm 2020 , bao gồm Phần Lan, Iceland và Đan Mạch, là bốn quốc gia hạnh phúc nhất trong giai đoạn 2017-19. Cả ba đều đã đối phó tốt với Covid-19 và có tỷ lệ tử vong dưới mức 21 trên 100.000 người. Vì là một hòn đảo biệt lập, tỷ lệ này của Iceland thậm chí còn thấp hơn.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới cũng chỉ ra một số mối liên hệ thú vị giữa Covid-19 và niềm hạnh phúc, theo cả hai hướng. Các tác giả không cho rằng niềm hạnh phúc giúp các quốc gia chống lại Covid-19 tốt hơn. Thay vào đó, họ lập luận rằng một trong những điều duy trì hạnh phúc tại một quốc gia cũng giúp họ đối phó với đại dịch tốt hơn. Đó chính là sự tin tưởng. Các cuộc thăm dò của Gallup cho thấy nhiều nơi đối phó tốt nhất với Covid-19, chẳng hạn như các nước Bắc Âu và New Zealand, sở hữu niềm tin mạnh mẽ vào các tổ chức và người lạ. Phần lớn cư dân của họ tin rằng một người hàng xóm sẽ trả lại một chiếc ví nếu họ tìm thấy nó.

Các quốc gia đã thất bại trong việc loại bỏ Covid-19 vì nhiều lý do hiển nhiên. Một số nước là do nghèo; nhưng một số khác đã yếu kém trong khâu lãnh đạo. Các nước này thiếu kinh nghiệm để đối phó với những đại dịch diễn ra gần đây như sars. Họ không bảo vệ biên giới một cách nghiêm ngặt. Nhưng Jeffrey Sachs, một nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, đã đưa ra một lý do khác: các chính trị gia và quan chức ở nhiều quốc gia giàu có ở châu Âu và châu Mỹ quyết định rằng họ không thể đòi hỏi quá nhiều từ công chúng. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa cá nhân và lòng tin thể chế kém vững chắc khiến họ cảm thấy không thể bắt buộc người dân cách ly hoặc đeo khẩu trang cho đến khi tình thế trở nên tuyệt vọng.

Nếu điều đó là đúng, nó có thể giúp giải thích một sự thay đổi lớn trong khu vực: sự hạnh phúc đã giảm ở Mỹ Latinh và gia tăng ở Đông Á. Argentina, Brazil, Colombia và Mexico đều trở nên kém hạnh phúc hơn vào năm 2020; Trung Quốc và Nhật Bản trở nên hạnh phúc hơn, mặc dù Hàn Quốc có tụt lùi một chút. Ông Helliwell cho biết, dường như các nước Mỹ Latinh đã có loại hạnh phúc "sai lầm" trước năm 2020 - một hạnh phúc được duy trì bởi các mối quan hệ xã hội chặt chẽ của mọi người, chứ không phải bởi mức độ tin cậy xã hội cao. Một cuộc thăm dò toàn cầu vào năm 2019 cho thấy chỉ 52% người dân ở Mỹ Latinh và Caribe nghĩ rằng một người hàng xóm sẽ trả lại chiếc ví cho họ; và chỉ 41% nghĩ rằng một cảnh sát sẽ làm vậy. Đó là tỷ lệ thấp nhất được chứng kiến ở bất kỳ khu vực nào.

Một quốc gia lớn khác cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Mỹ phản ứng kém với Covid-19 và đã phải hứng chịu hơn 500.000 ca tử vong. Tuy nhiên, cuộc thăm dò của Gallup phát hiện mức độ hạnh phúc của người Mỹ tăng nhẹ vào năm 2020. Một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu của Đại học Nam California cho thấy trạng thái căng thẳng tinh thần và lo lắng tăng lên ở Mỹ vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, nhưng sau đó giảm bớt. Hai đợt lây nhiễm và tử vong tiếp theo xuất hiện không làm họ thêm phiền lòng.

Nhiều bang của Mỹ đã có những cuộc phong tỏa khá thiếu nghiêm túc, ít nhất là đối với người lớn. Điều đó có thể đã giúp tinh thần của mọi người luôn phấn chấn. Abi Adams-Prassl của Đại học Oxford và các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng làn sóng phong toả đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái đã kéo tụt tâm trạng của phụ nữ. Nhiều người Mỹ đã trải qua một năm qua trong một "đám mây mù" thông tin mà ở đó, Covid-19 chỉ giống như bệnh cúm. Thật khó để nhận ra có quá nhiều tin tức giả mạo.

Tham khảo The Economist

Mỹ Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên