Vì sao cư dân Trung Âu đổ xô đi mua i-ốt?
Việc Nga đặt 3 lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái chờ đã khiến nhiều người ở các quốc gia Trung Âu và khu vực lân cận (từ Ba Lan đến Bulgaria) đổ xô đi mua i-ốt vì tin rằng chất này có thể giúp bảo vệ họ khỏi phóng xạ.
Nikolay Kostov, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thuốc Bulgaria, nói: “Chỉ trong vòng 6 ngày qua, các nhà thuốc ở Bulgaria đã bán ra lượng i-ốt tương đương với lượng i-ốt mà họ thường bán trong khoảng một năm. Một số nhà thuốc đã hết hàng. Chúng tôi đã đặt thêm nhưng tôi sợ rằng sẽ không đủ”. Tại CH Séc, Miroslava Stenkova, đại diện chuỗi hiệu thuốc Dr. Max, cho biết nhu cầu tích trữ i-ốt tăng vọt đã khiến nhiều cơ sở rơi vào tình trạng cháy hàng.
Theo gdziepolek.pl, một trang web của Ba Lan giúp bệnh nhân tìm thấy hiệu thuốc gần nhất, số lượng nhà thuốc bán i-ốt đã tăng hơn gấp đôi thời gian gần đây. “Dữ liệu trên trang web của chúng tôi cho thấy sự quan tâm đến i-ốt của người dùng đã tăng khoảng 50 lần kể từ ngày 24/2”, Bartlomiej Owczarek, người đồng sáng lập gdziepolek.pl, cho biết.
Sử dụng i-ốt (dạng viên hoặc siro) được nhiều người coi là một cách bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Hồi năm 2011, chính quyền Nhật Bản từng khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị hư hại sau thảm họa động đất - sóng thần) nên sử dụng i-ốt.
Các quan chức châu Âu đã nhận thấy nhu cầu sử dụng i-ốt tăng vọt, nhưng cảnh báo rằng i-ốt là không cần thiết trong tình hình hiện tại và sẽ không giúp ích gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Dana Drabova, người đứng đầu Văn phòng Nhà nước CH Séc về An toàn Hạt nhân, viết trên Twitter: “Các bạn hỏi rất nhiều về các viên i-ốt để đề phòng phơi nhiễm phóng xạ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng. Nhưng chúng về cơ bản là vô dụng”.
Tuần trước, mối lo ngại về mức độ phóng xạ đã tăng lên khi lực lượng Nga tuyên bố tiến vào nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi từng xảy ra thảm họa hồi năm 1986. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận mức độ phóng xạ tại Chernobyl đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp, không đủ để gây nguy hiểm cho con người.
Xếp hàng làm, gia hạn hộ chiếu
Lo ngại xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận, một số người dân khu vực Trung Âu vội vàng tìm đến các văn phòng hộ chiếu - thị thực để đảm bảo họ có được giấy tờ thông hành hợp lệ và có thể rời đi ngay khi cần thiết. Tình trạng quá tải buộc Bộ Nội vụ Slovakia phải lên tiếng kêu gọi người dân không "dội" đơn thư đến các văn phòng cảnh sát.
Tại thủ đô Warszawa của Ba Lan, hàng dài cư dân xếp hàng chờ bên ngoài văn phòng hộ chiếu. "Tôi có một cậu con trai không sống ở Liên minh châu Âu. Tôi cần đi thăm con và tôi sợ rằng sau này sẽ không thể xin được hộ chiếu", bà Maria - một phụ nữ về hưu nói.
Ngày 28/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, 3 lực lượng răn đe hạt nhân trên đất liền, trên không và tàu ngầm ở nước này đã bắt đầu bước vào chế độ chờ, sẵn sàng vận hành với nhân lực được tăng cường. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa ghi nhận bất kỳ động thái cụ thể nào của lực lượng hạt nhân Nga, bao gồm di chuyển đầu đạn ra khỏi kho chứa hoặc tái bố trí binh sĩ. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tuần cũng trấn an người Mỹ rằng, họ không cần phải lo lắng về chiến tranh hạt nhân.
Tiền phong