MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao đàm phán thương mại Mỹ - Trung tưởng chừng đã đến đích mà còn đổ bể?

06-05-2019 - 19:58 PM | Tài chính quốc tế

"Trung Quốc đang ở vị thế đàm phán tốt hơn. Họ không cần phải vội vàng. Nếu hai bên chưa đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ mất nhiều hơn là Trung Quốc".

Tại buổi họp kín với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuần trước, khi được hỏi cơ hội để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại tại Washington là bao nhiêu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trả lời "50 – 50".

Đến sáng nay, có vẻ câu trả lời này không còn đúng nữa. Dòng tweet đe dọa tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Nhiều khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ hủy chuyến đi tới Washington – chuyến đi cho đến hôm qua vẫn được kỳ vọng sẽ đem đến một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Financial Times, lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch tham dự đoàn đàm phán của ông Lưu đã nhanh chóng thay đổi kế hoạch đi công tác của mình. Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung bởi họ là khách hàng chính mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc sẵn lòng để các doanh nghiệp nhà nước tăng nhập khẩu hàng Mỹ để cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ, phía Mỹ cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn còn cứng nhắc về chính sách công nghiệp, trong đó có một số vấn đề như bảo vệ bí mật thương mại.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer muốn cắt giảm các loại thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc một cách từ từ. Tuy nhiên phía Trung Quốc cho rằng cả hai bên nên ngay lập tức bãi bỏ các loại thuế có tính trừng phạt kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra mùa hè năm ngoái.

Wang Yong, chuyên gia thương mại quốc tế tại ĐH Peking, nhận định những bất đồng này là hoàn toàn dễ hiểu khi hai bên đang chạy đua tới thỏa thuận cuối cùng. "Phía Trung Quốc đã bắt đầu xem xét lại thỏa thuận để đi đến kết luận sau cùng, do đó họ sẽ muốn đàm phán lại một số vấn đề. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai bên là ông Trump khăng khăng muốn giữ lại một số loại thuế và đó là điều mà Trung Quốc rất khó chấp nhận".

Giới phân tích cũng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự báo và đặc điểm nền chính trị Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh tự tin hơn. Trong khi đó động thái của ông Trump phải chịu sức ép nhất định từ các cử tri.

"Trung Quốc đang ở vị thế đàm phán tốt hơn. Họ không cần phải vội vàng. Nếu hai bên chưa đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ mất nhiều hơn là Trung Quốc", giáo sư Wang nói.

Theo chuyên gia Arthur Kroeber của hãng nghiên cứu Gavekal, Trung Quốc khó có thể vứt bỏ mô hình phát triển kinh tế để đổi lấy thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong khi đó Tổng thống Trump đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: tăng thuế - điều gần như chắc chắn sẽ khiến thị trường tài chính lao dốc – hoặc tìm một cách khác để chứng tỏ lời đe dọa của mình có hiệu lực và buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.

Trong suốt vài tuần gần đây, người nông dân Mỹ, thị trường tài chính và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã ở trong trạng thái tràn đầy hi vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hi vọng được thắp lên bởi những phát biểu lạc quan của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow.

Theo James Zimmerman, người từng đứng đầu Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc và hiện là chuyên gia tại công ty luật Perkions Coie, những lời đe dọa bất ngờ vừa qua của ông Trump cho thấy Tổng thống Mỹ "hoàn toàn hiểu sai về cách đàm phán với Trung Quốc".

Tháng 9 năm ngoái, điều tương tự cũng đã xảy ra khi ông Lưu Hạc hủy chuyến đi quan trọng tới Washington sau khi ông Trump đột ngột đe dọa tăng thuế. Phía Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ không bao giờ bước đến bàn đàm phán "với một con dao kề vào cổ".

Thu Hương

FT

Trở lên trên