Vì sao đình chỉ điều tra nguyên Giám đốc Eximbank chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu?
Trường hợp ông Hoàng Kim Long, nguyên Giám đốc Eximbank chi nhánh Bà Rịa -Vũng Tàu được tạm đình chỉ điều tra để đưa đi chữa bệnh tâm thần.
- 23-11-2018Tòa buộc Eximbank phải trả gốc và lãi cho bà Chu Thị Bình
- 23-11-2018VKS đề nghị Eximbank trả cả tiền gốc và lãi cho khách hàng
- 23-11-2018Thông tin bất ngờ về khoản tiền 245 tỷ đồng Eximbank “trả” bà Chu Thị Bình
Liên quan đến vụ nguyên giám đốc Eximbank chi nhánh Bà Rịa -Vũng Tàu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, Viện KSND tỉnh này đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can.
Theo đó, Nguyễn Đình Huân (38 tuổi), nguyên Trưởng phòng tín dụng Eximbank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nguyễn Văn Khang (35 tuổi), nguyên cán bộ tín dụng Eximbank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Các bị can đều được cho tại ngoại. Riêng trường hợp ông Hoàng Kim Long, nguyên Giám đốc Eximbank chi nhánh Bà Rịa -Vũng Tàu được tạm đình chỉ điều tra để đưa đi chữa bệnh tâm thần.
Trụ sở Eximbank chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: N.L.
Theo đó, sau khi CQĐT có lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam vào tháng 10/2015, ông Long đã bất ngờ bị bệnh... tâm thần.
Cụ thể, đến ngày 1/10/2015, Viện pháp y tâm thần Trung ương có kết luận: "Trước, trong và sau khi phạm tội, bị can Hoàng Kim Long không có dấu hiệu tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định, bị can bị bệnh rối loạn trầm cảm thực tổn mức độ nặng. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1999 về các rối loạn tâm thần và hành vi bệnh có mã số F06.32, bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Do đó, đến đầu năm 2018, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với ông này. CQĐT cũng đã tách vụ án, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Long, khi nào có căn cứ sẽ phục hồi điều tra.
Nội dung cáo trạng thể hiện, trong khoảng thời gian từ năm 2009-2011, các bị can Long, Huân và Khang - đại diện cho Eximbank Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký các hợp đồng tín dụng với nhóm Công ty Thanh Mai (gồm 6 công ty) do Mai Văn Thức cùng người nhà, họ hàng của Thức làm giám đốc.
Đến cuối năm 2011, do không không trả được tiền gốc và lãi vay nên Eximbank Việt Nam tiến hành kiểm tra tài sản thế chấp các doanh nghiệp này thì phát hiện thiếu hơn 1.500 tấn hạt điều, trị giá hơn 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong nhiều bao hạt điều có trộn vỏ trấu, vỏ hạt điều. CQĐT xác định, trong quá trình xét duyệt, ký kết hợp đồng thế chấp tài sản là hàng hóa để cho nhóm Công ty Thanh Mai vay vốn, các bị can trên đã không làm đúng quy trình, hoặc không làm theo quy định như: nhận và quản lý hàng thế chấp, kiểm tra hàng hóa, lập phiếu theo dõi...
Ngoài ra, CQĐT cũng xác định, các bị can đã cấp tín dụng không có bảo đảm, vượt giới hạn so với vốn tự có, cố ý nâng khống tài sản bảo đảm cho nhóm khách hàng Công ty Thanh Mai.
Hậu quả, Ngân hàng Eximbank Bà Rịa - Vũng Tàu bị thiệt hại số tiền gần 48 tỷ đồng. Hiện, Mai Văn Thức đã đưa các tài sản có trị giá gần 21 tỷ đồng để giảm thiểu thiệt hại.
Về hành vi tự ý lấy hơn 1.500 tấn hạt điều đã thế chấp vào ngân hàng đem ra sản xuất của Mai Văn Thức, CQĐT xác định có dấu hiệu tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đã có quyết định khởi tố vụ án bổ sung về hành vi này.
Tuy nhiên, do thời hạn điều tra, truy tố đã hết nên vào tháng 7/2018, CQĐT quyết định tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.