MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“?

Để doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không bị "chết yểu", cần phải nuôi dưỡng, nâng đỡ, hỗ trợ, chứ giao sứ mệnh gánh vác ngay thì họ không đủ sức.

5/10 doanh nghiệp lập mới là "chết" yểu

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội chiều 30/5, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, tình trạng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tại Việt Nam rất lớn.

Ông Hùng dẫn báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2018 khoảng 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, trong đó 63.000 chờ giải thể, phá sản. Như vậy, bình quân cứ 10 doanh nghiệp lập mới thì 5 đơn vị lại giải thể, phá sản.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng


"Nếu không cải cách thực chất thì khó đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020", ông Hùng lưu ý.Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đưa ra nhưng con số doanh nghiệp đóng cửa thực tế lại cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thách thức. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, xác định đúng nội dung doanh nghiệp cần, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách cơ học.

Đại biểu đoàn Thái Nguyên nhấn mạnh: Tuy nhà nước thu vượt kế hoạch khoảng 8% nhưng nền kinh tế ở 3 khu vực quan trọng là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp co vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều không đạt dự toán.

Vì vậy, ông Hùng đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá và đề ra những giải pháp hỗ trợ kinh doanh ở ba khu vực kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển bứt phá, ổn định nguồn thu cho năm 2019 và các năm sau, đồng thời có giải pháp khắc phục vấn đề chậm giải ngân.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“? - Ảnh 2.

Cứ "đẻ ra" 10 doanh nghiệp thì 5 doanh nghiệp lại "chết". (Ảnh minh hoạ)



Cần "nuôi dưỡng" doanh nghiệp tư nhân


Đề cập tới phát triển kinh tế tư nhân, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, muốn khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển thì phải hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, đó là con đường tất yếu. Muốn vậy, phải đối xử công bằng, không phân biệt đối xử.

Theo đánh giá của ông Kiên, Nhà nước đang thiếu tầm nhìn chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước dường như không chịu trách nhiệm về bất cứ rủi ro nào khi xảy ra. Điển hình như những ồn ào xung quanh các dự án BOT vừa qua.

Kết quả là cho tới nay, cả một chủ trương lớn của Nhà nước là xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông đang bị nghẽn lại vì nhà đầu tư cảm thấy mình không được Nhà nước chia sẻ rủi ro. Trong khi đó thời gian tới Việt Nam vẫn thiếu trầm trọng vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay “chết yểu“? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên

Hiện nay, có đến 97% doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Do vậy, chưa thể đặt hết kỳ vọng vào doanh nghiệp tư nhân. "Điều này giống như hình ảnh một gia đình có cậu con nhỏ bụ bẫm, nhanh nhẹn, đáng yêu, được gọi là niềm hi vọng của cả nhà. Tuy nhiên, để niềm vi vọng đó thực sự trở thành niềm tự hào thì gia đình phải chăm bẵm, nuôi dưỡng, đào tạo cậu bé đó chí ít mười mấy năm. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện tại đúng như hình ảnh cậu bé 3 tuổi đó, cần phải nuôi dưỡng, nâng đỡ, hỗ trợ, chứ giao sứ mệnh gánh vác ngay thì không đủ sức", ông Kiên phân tích./.

Theo Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên