MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dự án bus nhanh Hà Nội chậm tiến độ?

20-12-2016 - 16:38 PM | Xã hội

Bà Jung Eun Oh, Trưởng Ban giao thông của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng Giám đốc dự án BRT ở Hà Nội đã đưa ra 4 nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ.

Được triển khai từ năm 2007 nhưng phải tới ngày 1/1/2017 tới đây, dự án tuyến bus nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã mới chính thức đi vào hoạt động. Lý giải về nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, bà Jung Eun Oh - Trưởng Ban giao thông của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng Giám đốc dự án, cho rằng có 4 lý do chính gây nên chậm trễ dự án.

Theo bà Jung Eun Oh, do hành lang dành cho tuyến BRT thay đổi trong kế hoạch của UBND TP Hà Nội nên dự án phải thay đổi thiết kế. Cùng với đó, do tốc độ phát triển nhanh chóng của TP Hà Nội trong những năm qua nên hành lang cho tuyến BRT cũng thay đổi theo.

Ngoài ra, vị đồng Giám đốc dự án cũng nhấn mạnh, giải pháp xe bus nhanh mới lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam và thực tế là chưa đủ cơ sở pháp lý, thể chế cho BRT , trong đó bao gồm việc xe bus chạy ở làn đường riêng bên phải thay vì chạy chung làn đường cùng với các phương tiện khác như hiện tại, nên cần thời gian để tạo nền tảng, cơ sở cho việc vận hành tuyến xe bus nhanh này.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện và bà Jung Eun Oh (áo xanh) - Trưởng Ban giao thông của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Đặc biệt, đại diện WB cho rằng khó khăn về mặt kỹ thuật là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ. "Hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam còn thiếu trong khi có nhiều giải pháp về công nghệ khác nhau và có nhiều tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật được đưa ra triển khai nên chưa có kinh nghiệm, mất nhiều thời gian hơn so với hình thức vận tải truyền thống", bà Jung Eun Oh cho biết.

Đánh giá về sự chậm trễ của dự án BRT đầu tiên ở Hà Nội, bà Jung Eun Oh khẳng định: "Sự chậm trễ này không hề bất bình thường đối với một dự án giao thông đô thị. Hà Nội không phải là thành phố duy nhất bị chậm tiến độ dự án này do đây là giải pháp mới, phức tạp, liên quan đến việc vận hành, hành lang cho BRT, phương án giải pháp kĩ thuật, thiết kế. Nhiều thành phố khác trên thế giới cũng vậy, không chỉ riêng Hà Nội".


Tuyến đường BRT đi qua có mật độ giao thông đông đúc, đặc biệt là giờ cao điểm

Tuyến đường BRT đi qua có mật độ giao thông đông đúc, đặc biệt là giờ cao điểm

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng chia sẻ thêm những lí do khách quan và chủ quan khiến dự án chậm trễ. "Đây là dự án BRT đầu tiên của Việt Nam triển khai, mặc dù WB và tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thiết kế giám sát nước ngoài cũng đã đưa ra những giải pháp nhưng phía Việt Nam chưa có đủ tiêu chuẩn kĩ thuật, định mức kĩ thuật của BRT. Trong quá trình vừa thực hiện, vừa xây dựng tiêu chuẩn kĩ thuật, trình qua các Bộ để điều chình. Có những quy định chưa phù hợp với luật nên lại cần thời gian điều chỉnh do đó, quá trình triển khai cũng mất nhiều thời gian.

Và do đây là dự án Ngân hàng Thế giới tài trợ bằng nguồn vốn ODA nên phải thực hiện quy trình đấu thầu quốc tế chặt chẽ, đòi hỏi thời gian dài, nhiều việc phải triển khai. Quá trình triển khai tuyến BRT này là nơi có lưu lượng người tham gia giao thông lớn, trùng với tuyến đường sắt 2A, từ Hà Đông đến Kim Mã có tuyến trùng nhau nên phải dành thời gian cho tuyến 2A chạy trước. Dù dự án có chậm nhưng các phần việc vẫn được triển khai đúng dự toán nhận tiền và không vượt quá tổng định mức đầu tư", ông Vũ Văn Viện cho biết thêm.

Cũng theo bà Jung Eun Oh - Trưởng Ban giao thông của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mức độ tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng, do mật độ giao thông ngày càng tăng ở hành lang BRT, nên càng cần thiết phải đưa hệ thống giao thông công cộng hoạt động dọc tuyến đường này bởi mục tiêu cuối cùng là giúp hành khách di chuyển tốt hơn. "Mức độ tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng hơn ở Hà Nội nếu không làm gì thì càng nhiều ô tô cá nhân, xe máy xuất hiện nhiều thì càng tắc nghẽn, Nếu chúng ta làm được sớm thì tốt nhưng hiện chưa phải là muộn và đây là cách tiếp cận đúng đắn, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn", bà Jung Eun Oh kết lại.

Theo Nguyễn Khánh

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên