MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao hơn 6.000 người sập bẫy đầu tư tiền ảo, đa cấp?

08-08-2018 - 11:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Do hám lợi, tin vào số tiền lãi “khủng”, hơn 6.000 nhà đầu tư đã hùn vốn kinh doanh vào các dự án, tiền ảo do Nguyễn Hữu Tiến (34 tuổi, quê quán Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNCOINS, tọa lạc quận 1, TP Hồ Chí Minh) khởi xướng. Kết cục, khách hàng rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà” khi phải vay nợ mua các gói đầu tư.

Từ cách đây hơn 2 tháng, các cán bộ Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện ra đường dây mua bán tiền ảo quy mô lớn có dấu hiện lừa đảo nhà đầu tư chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng nên xác lập chuyên án đấu tranh. Tài liệu, chứng cứ thu thập được về đường dây này cho thấy, toàn bộ tiền ảo do công ty của Tiến tự tạo ra; giá trị nâng cao hay hạ thấp cũng do Tiến chỉ đạo đồng bọn dùng thủ thuật để biến đổi cho thị trường ra vẻ sôi động. Thực tế, nhà đầu tư bỏ tiền thật để mua tiền ảo. Họ đều bị mất tiền thật, trong khi thực tế không có tiền ảo nào bán được tại thị trường Việt Nam.

Quá trình điều tra, trinh sát cũng gặp không ít khó khăn vì các đối tượng chủ yếu sử dụng công nghệ phần mềm để giao dịch mua bán tiền ảo với khách hàng. Bọn chúng cung cấp cho mỗi người một tài khoản để giao dịch mua bán tiền ảo và chỉ liên lạc qua điện thoại với nhà đầu tư. Nếu phát hiện nghi vấn thì chúng kiểm tra rất kỹ thông tin cá nhân của khách hàng trước khi cho họ tham gia giao dịch mua bán tiền ảo.

Thượng tá Lê Ngọc Hùng, Phó Trưởng phòng 6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cho biết: Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã quyết định phá án, bắt giữ các đối tượng để điều tra làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Tiến cầm đầu.

Ngày 19-7, Cơ quan CSĐT phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đồng loạt bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng trên tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và thu giữ nhiều tang vật liên quan đến vụ án. Cơ quan Công an đã triệu tập 10 đối tượng khác để lấy lời khai phục vụ điều tra.

Bước đầu, CQĐT xác định, trong 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11-2016, các công ty của Tiến đã lừa hơn 6.000 nhà đầu tư tham gia các dự án “ảo” với số tiền hơn 200 tỷ đồng.

 Vì sao hơn 6.000 người sập bẫy đầu tư tiền ảo, đa cấp?  - Ảnh 1.
                                                         Cán bộ điều tra thu giữ tang vật của vụ án.


Chị Trần Thị Thanh H. (40 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) là một trong số rất đông những khách hàng từng bị Tiến và đồng bọn biến thành “con mồi”. Chị kể: “Thông qua một người quen, tôi được giới thiệu tham gia hội thảo của Công ty cổ phần OTCMAX (tọa lạc phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Đây là công ty do Tiến thuê Phạm Việt Sơn (60 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) làm tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật và thuê Nguyễn Hồng Quân (41 tuổi, ngụ Bình Dương), phụ trách công nghệ thông tin Công ty VNCOINS) phụ trách lĩnh vực kỹ thuật. Tôi đã tham dự hội thảo 2 lần.

Hám lời vì lãi “khủng”

Tại các buổi hội thảo, nhóm Tiến mời hơn 100 nhà đầu tư tham gia. Để thuyết phục các khách hàng, Tiến và đồng bọn tổ chức thuyết trình về chủ trương, chính sách, lợi nhuận của công ty, mời gọi nhà đầu tư tham gia với nhiều gói đầu tư hấp dẫn với lãi suất cao. Các nội dung thuyết trình gồm quá trình thành lập Công ty OTCMAX, thành tựu trong hoạt động; các dự án của Công ty OTCMAX đầu tư như: liên kết với quỹ tín dụng nhân dân xã Quảng Phú, Thanh Hóa, liên kết xây dựng trung tâm thương mại tại TP Thanh Hóa với Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bắc Nam, đầu tư khai thác mỏ cát, nước ngọt tại Bình Thuận, đầu tư chuỗi hàng cà phê tại TP Hồ Chí Minh, mở chuỗi cửa hàng mua bán thực phẩm sạch khu vực TP Hồ Chí Minh”.

Theo cam kết, công ty của Tiến sẽ sử dụng tiền của các nhà đầu tư vào các dự án trên và được hưởng lợi theo nhiều gói với mức chia lãi được “công khai” trước. Cụ thể, sau 3 tháng, gói 5 triệu đồng sẽ hưởng lợi nhuận 8,1 triệu đồng; gói 25 triệu đồng, lợi nhuận 40,5 triệu đồng; gói 100 triệu đồng, lợi nhuận 162 triệu đồng; gói 250 triệu đồng, lợi nhuận 405 triệu đồng; gói 1 tỷ đồng, lợi nhuận 1,6 tỷ đồng; gói 3 tỷ đồng, lợi nhuận 4,8 tỷ đồng.

Tin tưởng, chị H. đã phải vay thêm người thân 200 triệu đồng để tham gia đầu tư 3 gói với số tiền 800 triệu đồng. Nhóm của Tiến trả lãi cho chị 4 lần, sau đó thì chị không nhận được tiền lãi và gốc theo cam kết nữa. Chị và nhiều nhà đầu tư khác phản ứng, nhóm Tiến đã mời họ đến khách sạn Đệ Nhất, thuộc phường 4, quận Tân Bình để thương lượng.

Tại đây, Tiến nói rằng, người nào tiếp tục đầu tư thì chuyển số tiền đầu tư thành cổ phiếu của Công ty Thiên Rồng Việt, còn không đầu tư thì sẽ ký thanh lý hợp đồng. Công ty OTCMAX sẽ hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư trong thời gian 45 ngày. Chị H. không đồng ý đầu tư tiếp nên đã ký thanh lý hợp đồng từ ngày 24-10-2016. Tuy nhiên đến nay, chị vẫn không nhận lại được số tiền đầu tư của mình. Chị H. cay đắng cho biết thêm, mâu thuẫn tiền bạc, vợ chồng chị thường xuyên xảy ra lục đục. Họ đã viết đơn ly hôn!

Anh Nguyễn Văn T. tường trình: Vào tháng 2-2016, Công ty OTCMAX mời các nhà đầu tư góp tiền hợp tác vào các dự án như bất động sản, lập trình game, thương mại điện tử, đầu tư cổ phiếu... Khách hàng tham gia theo các gói đầu tư như trên và sẽ được trả cả gốc lẫn lãi đầy đủ. Anh cũng tham gia đầy đủ các buổi hội thảo của công ty và được nhóm Tiến giới thiệu rằng, công ty đã mua lại quỹ tín dụng nhân dân ở Quảng Phú (Thanh Hóa) và sẽ đưa quỹ tín dụng này trở thành ngân hàng làng nghề. Công ty còn nhận được dự án san lấp sân bay Long Thành... nên cần đầu tư góp vốn để thực hiện.

Tin vào lời đường mật của Tiến, anh T. đã tham gia đầu tư 1 tỷ đồng, mua 4 gói đầu tư, mỗi gói 250 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, anh được công ty cung cấp 4 tài khoản để theo dõi số tiền lãi gốc. Đến tháng 10-2016, công ty đã dừng hoàn toàn việc trả lãi. Đến thời điểm đó, anh T. mới nhận được “phần chia” 400 triệu đồng, bị công ty chiếm đoạt 600 triệu đồng. Bỏ công tìm hiểu, anh T. mới biết được thực tế, công ty không đầu tư vào các dự án như đã  thuyết trình rầm rộ. Mục đích, họ chỉ tổ chức các buổi hội thảo nhằm “rót mật” vào tai các khách hàng với các gói lãi suất khủng, trả lãi một ít rồi chiếm đoạt tiền gốc.

Khi khách hàng hiểu ra thì đã muộn. Do vay nợ gần nửa tỷ đồng để mua các gói đầu tư của nhóm Tiến, vợ chồng anh T. đã cãi nhau thường xuyên. Anh T. suốt ngày lo đi tìm cách đòi lại tiền, vợ thì ôm con bỏ về quê sinh sống.

Mánh khóe của trùm lừa đảo mua bán tiền ảo, đa cấp

Tại Cơ quan công an, các đối tượng bước đầu khai nhận: Vào tháng 5-2015, Tiến thành lập và điều hành Công ty cổ phần đầu tư Thiên Rồng Việt, do Tiến làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và đại diện pháp luật. Để bộ máy hoạt động, Tiến thuê Sơn, Quân đứng tên cổ đông và giữ các chức vụ khác nhau trong công ty.

Tháng 8-2016, Tiến thành lập và điều hành Công ty cổ phần OTCMAX, thuê Sơn làm tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật và Quân phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc thành lập công ty chỉ là cách hợp thức hóa để người dân tin tưởng đầu tư vào các dự án ảo do Tiến tạo ra. Thực tế, OTCMAX không sản xuất, kinh doanh, cũng không đầu tư vào dự án.

Để che mắt và lừa nhà đầu tư, Tiến tổ chức nhiều buổi hội thảo, thuê in ấn, phát hành tài liệu; chỉ đạo người vận hành website Otcmax.vn đăng bài liên tục về hình ảnh của Tiến về hàng trăm dự án với lợi nhuận cực lớn để thu hút đầu tư.

Cụ thể, việc mua lại Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở Quảng Phú (Thanh Hóa); đầu tư khai thác mỏ cát nước ngọt tỉnh Bình Thuận; hợp tác đầu tư với Công ty Xây dựng Bắc Nam để xây dựng trung tâm thương mại tại Thanh Hóa; xây dựng sân bay Long Thành; xây dựng trung tâm thương mại, chung cư lớn ở TP Hồ Chí Minh... đều là ảo, do Tiến dựng lên để lừa đảo nhà đầu tư. Khách hàng thấy lợi nhuận đến 1,8%/ngày nên kỳ vọng, đổ tiền vào các dự án.

Tiến chỉ đạo cấp dưới lấy tiền của người này trả lãi cho người sau, hoặc lấy tiền vốn góp của chính nhà đầu tư trả cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhiều gói đầu tư, mỗi người được đầu tư nhiều dự án với lãi “khủng”. Nếu đầu tư gói dự án VIP 3 tỷ đồng thì sau 3 tháng, khách hàng sẽ có thể nhận được gần 5 tỷ đồng.

Ban đầu, có nhiều nhà đầu tư tham gia, OTCMAX có tiền trả lãi cho chính họ hoặc nhà đầu tư khác. Nhưng đến tháng 11-2016, công ty không thể trả lãi đúng hạn cho nhà đầu tư như cam kết, do nhà đầu tư tham gia ít dần, tiền không còn. Thấy làn sóng đầu tư tiền ảo đang dâng cao, tháng 9-2017, Tiến đổi tên OTCMAX thành Công ty cổ phần VNCOINS nhằm chuyển sang hình thức lừa đảo tiền ảo. Tiến tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, công bố Công ty VNCOINS có kênh đầu tư tiền ảo tạo ra giá trị lớn, nhà đầu tư mua tiền ảo VNCOINS gửi vào gói của mình sẽ được công ty đảm bảo lợi nhuận lên đến 2,5%/ngày.

Mặt khác, Tiến cũng mời gọi các nhà đầu tư từ OTCMAX chuyển qua mua tiền ảo do VNCOINS tạo ra, khách hàng không đồng ý sẽ phải trả lại OTCMAX toàn bộ giấy tờ ký hợp đồng hợp tác đầu tư và ký giấy xác nhận thanh lý hợp đồng, sau đó công ty sẽ trả lại tiền nhà đầu tư trong thời gian 45 ngày. Tuy nhiên, Tiến thừa nhận đó chỉ là cách nhằm lấy lại toàn bộ giấy tờ để nhà đầu tư không có bằng chứng khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Với tiền ảo VNCOINS, ban đầu Tiến cho định giá 0,9 USD/VNCOINS. Khi nhà đầu tư đổ tiền vào mua thì bộ phận công nghệ thông tin sẽ làm giá VNCOINS tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, Tiến chỉ đạo không cho tiền ảo VNCOINS tăng liên tục dễ bị sinh nghi, mà biến động tăng mạnh, giảm nhẹ thường xuyên khiến thị trường linh động như Bitcoin. Thời điểm lực lượng chức năng bắt giữ các bị can, công ty này định giá mỗi VNCOINS 10 USD.

 Vì sao hơn 6.000 người sập bẫy đầu tư tiền ảo, đa cấp?  - Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Hữu Tiến và "bánh vẽ" do Tiến đưa ra thu hút nhà đầu tư.


Qua đấu tranh, đến ngày 1-8, Tiến xác nhận: Sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư, Tiến không triển khai các dự án như đã thông báo tại buổi hội thảo, nên không có lợi nhuận và sử dụng tiền vào mục đích khác. Nguồn tiền thu được từ nhà đầu tư, Tiến đã trả “lợi nhuận” lại cho các nhà đầu tư khoảng 150 tỷ đồng; trả tiền thuê trụ sở công ty, thuê địa điểm tổ chức sự kiện, hội nghị, tiệc chiêu đãi đại biểu hết 5 tỷ đồng; chi mua trang thiết bị và chi phí thường xuyên cho hoạt động của công ty hết khoảng 15 tỷ đồng; trả lương cho nhân viên công ty hết khoảng 7 tỷ đồng; trả tiền mua ô tô hiệu Camry BKS 51F-761.02 hết khoảng 1 tỷ đồng. Còn lại khoảng 22 tỷ đồng, Tiến dùng tiều xài cá nhân và ăn nhậu, tiếp khách, đối ngoại...


Cảnh báo lừa đảo đa cấp biến tướng

Từ vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, khuyến cáo: Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng thì không được phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ. Mặt khác, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền... Do vậy, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Lực lượng công an sẽ tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các loại tội phạm liên quan đến giao dịch tiền ảo.

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều sàn tài chính sử dụng đồng tiền ảo. Các sàn có điểm chung là cho nhận tài chính thông qua đồng Bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Bản chất là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất khủng từ 30-80%/năm. Hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi, bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào. Đó chính là một cái bẫy chắc chắn sẽ khiến nhiều người dại dột tham gia rơi vào cảnh tiền mất tật mang.


Theo Công Bình

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên