MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao huy động vốn đa cấp, tiền ảo lời 300% vẫn có “đất sống”?

29-07-2018 - 19:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Dự án cam kết tỉ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng 3-5 lần rủi ro rất cao, còn nếu cam kết mức lời cao hơn 10 lần, 20 lần, 50 lần thì chắc chắn là lừa đảo.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, Sáng lập trường kinh doanh BizUni, trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh các mô hình huy động vốn đa cấp, hứa hẹn chia lời "khủng" và nhiều nhà đầu tư sập bẫy. Gần đây nhất là vụ Sky Mining huy động người chơi góp vốn đầu tư máy đào tiền ảo, trả lãi khủng 300% sau đó chủ công ty "mất tích" với lý do không gánh nổi thua lỗ kéo dài.

Từ vụ công ty Sky Mining huy động người chơi góp vốn đầu tư máy đào tiền ảo, trả lãi đến 300%, trước đó là vụ vỡ đường dây đa cấp tiền ảo 15.000 tỉ đồng của dự án ifan... Theo ông, bản chất các vụ việc này có phải huy động vốn đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước? Đâu là dấu hiệu nhận biết rõ nhất những mô hình lừa đảo này?

Vì sao huy động vốn đa cấp, tiền ảo lời 300% vẫn có “đất sống”? - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh

Sky Mining chính xác là dự án huy động vốn theo hình thức đa cấp. Ngoài lãi suất cam kết cho tất cả nhà đầu tư theo các gói đầu tư khác nhau, họ lại dùng thêm chiêu đa cấp tài chính (mô hình Ponzi). Sky Mining trả thêm tiền chiêu dụ cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cấp X lôi kéo, kết nạp bạn bè, người quen thành nhà đầu tư cấp X+1… Và hoa hồng cho phí chiêu dụ cũng được Sky Mining trả rất cao nên các nhà đầu tư hăm hở tìm kiếm bạn bè, người thân. Dự án này có thể đã thu hút được cả ngàn tỉ đồng.

Dấu hiệu rõ nhất của những mô hình lừa đảo là cam kết tỉ suất lợi nhuận cao. Dự án mà cam kết tỉ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng 3-5 lần là rủi ro rất cao. Còn dự án mà cam kết tỉ suất lợi nhuận cao hơn ngân hàng 10 lần, 20 lần 50 lần chắc chắn là lừa đảo.

Vì sao nhiều nhà đầu tư biết nhưng vẫn sập bẫy, có kênh đầu tư hoặc mô hình đầu tư nào với mức lợi nhuận lên tới hàng trăm %, thậm chí 300% như Sky Mining?

Những trường hợp lừa đảo đầu tư như vậy vẫn luôn hấp dẫn người tham nhưng thiếu hiểu biết. Tôi hay nói đùa với bạn bè "họ là những nhà đầu tư tham quá mức so với sự hiểu biết của họ".

Những công ty trên đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng cách cam kết, hứa hẹn lãi suất cao ngất trời. Đi kèm với đó là sản phẩm đầu tư mới lạ, thời thượng và những câu chuyện đầu tư thành công, đổi đời; cuộc sống giàu có, hào nhoáng… Họ dùng thêm thêm chiêu đa cấp tài chính, trả thêm tiền chiêu dụ cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư lôi kéo, kết nạp bạn bè, người quen thành nhà đầu tư cấp dưới của mình và được hưởng hoa hồng trên doanh số của nhà đầu tư mà mình chiêu dụ được.

Thực tế hiện vẫn còn rất nhiều mô hình tương tự như ifan, Sky Mining đang hoạt động, huy động vốn từ nhà đầu tư... Và nguy cơ sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư "dính bẫy" bất cứ lúc nào?

Trong mấy năm qua, tôi đã điểm danh khá nhiều dự án đầu tư lừa đảo trên trang facebook của mình: Insider 21, OneCoin, các dự án góp vốn Forex, và Sky Mining… Và hiện nay vẫn còn nhiều dự án lừa đảo khác. Lý do chính là do lòng tham của nhà đầu tư. Họ tham quá mức so với mức hiểu biết của họ.

Cũng phải nói thêm, là có một số nhà đầu tư "cáo già". Họ biết dự án lừa đảo nhưng vẫn nương theo. Họ vào sớm và cũng thoát sớm. Còn đa số những nhà đầu tư đến sau, sẽ dính bẫy và thua lỗ…

Vì sao huy động vốn đa cấp, tiền ảo lời 300% vẫn có “đất sống”? - Ảnh 2.

Những mức lợi nhuận hấp dẫn, lên tới 300% được hứa hẹn trả cho nhà đầu tư từ Sky Mining

Vì sao những vụ lừa đảo dạng này thường gắn mác mô hình đầu tư liên quan đến tiền ảo?

Không chỉ tiền điện tử, những công cụ đầu tư mới hay bị lợi dụng để lừa đảo người thiếu thông tin, thiếu kiến thức. Thời đầu chứng khoán bùng nổ, đã có nhiều công ty được dựng lên vội vã để bán cổ phần vì hồi ấy cổ phần các công ty được đồn là sắp lên sàn rất thu hút nhà đầu tư. Cứ mua giá 2 chấm (20.000 đồng - PV), 3 chấm sẽ bán lại được ngay với giá 5 chấm, 7 chấm. Đến khi mọi người hiểu ra nguyên tắc cơ bản: giá cổ phiếu phải thể hiện giá trị của doanh nghiệp, các công ty dỏm sớm muộn cũng bị lộ nguyên hình và cả trò dựng công ty để bán cổ phần.

Tiền điện tử cũng vây. Đậy là công cụ đầu tư mới và câu chuyện Bitcoin từng tăng giá đến mức chóng mặt tạo ra nhiều triệu phú... nên rất hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy vậy, rất ít người thật sự hiểu tiền điện tử là gì. Vì thế những tay lừa đảo mới tạo ra những dự án xung quanh tiền điện tử. Chẳng hạn như OneCoin - một đồng tiền điện tử dỏm. Tiếng Anh gọi là Scam. Nhưng những người kinh doanh OneCoin kể câu chuyện rất hấp dẫn về loại tiền này làm cho người nghe nghĩ rằng đây là đồng tiền điện tử xịn, có giá trị và sẽ tăng giá còn hơn Bitcoin trong tương lai.

Sky Mining thì xây dựng trên các máy đào tiền điện tử. Trong khi những máy đáo điện tử thật có thể cho tỉ suất lợi nhuận 30%, 50% thậm chí cao hơn, tùy theo diễn biến của giá tiền điện tử, thì Sky Mining với bản chất lừa đảo, lại cam kết nhà đầu tư có thể lời 300% trong 1 thời gian ngắn.

Một trong những lý do các mô hình này vẫn tung hoành thu hút, mời gọi người chơi, thậm chí tổ chức hàng loạt các sự kiện, hội thảo quy mô lớn ở khắp các tỉnh thành nhưng không bị cơ quan quản lý "sờ gáy" là vì thiếu khung pháp lý quản lý?

Việc lớn nhất nhà nước cần làm là truyền truyền và giáo dục người dân về đầu tư và rủi ro về đầu tư. Bất kỳ dự án nào cam kết lãi suất cao, cam kết không rủi ro chắc chắn là "có vấn đề".

Trước khi đầu tư, chúng ta cần phải trả lời được những câu hỏi sau: Pháp lý của dự án có ổn không? Nếu xảy ra lừa đảo, tranh chấp thì hợp đồng đó có bảo vệ được chúng ta không? Công ty đó có uy tín không? Tiền của nhà đầu tư ai giữ? Tiền được đảm bảo bằng gì? Nhiều công ty tự quảng cáo rất hầm hố nhưng thật sự không có lực, chưa có uy tín, và không chịu sự quản lý của Nhà nước….

Trường hợp của Sky Mining thì tiền đưa hết cho họ, đổi lại là báo cáo về những cái máy đào. Lấy gì đảm bảo là tất cả tiền đã mua máy đào rồi sau đó giao lại cho Sky Miming giữ? Vậy thì khi xảy ra sự cố, chúng ta còn gì để lấy về?

Lãi suất cao như thế, sao họ không mượn tiền để đầu tư. Tại sao các tổ chức đầu tư, các ngân hàng không rót tiền vào đầu tư mà lại "tốt bụng" mời chúng ta hưởng lợi.

Theo Thái Phương thực hiện

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên