Vì sao "không thể chủ quan khi FED tăng lãi suất"?
Theo TS. Cấn Văn Lực, tác động từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đến Việt Nam là chưa nhiều, nhưng không thể chủ quan, vì cần phải theo dõi tiếp các diễn biến trong thời gian tới.
- 18-03-2022Quỹ đầu tư lớn của Mỹ dự báo giá vàng sẽ không ngừng lập đỉnh mới dù Fed nâng lãi suất
- 17-03-2022Fed đã chính thức lộ trình tăng lãi suất – tác động chưa nhiều nhưng không chủ quan
- 17-03-2022Thị trường tài chính phản ứng thế nào sau quyết định tăng lãi suất đêm qua của Fed?
-
Giá vàng thế giới có thể sẽ hạ nhiệt ngay sau sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 do các nhà đầu tư có xu hướng bán vàng ra để lấy tiền đầu tư, sản xuất
-
Việc các ngân hàng lớn hạ thấp lãi suất huy động cũng phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay
Vì sao thị trường chứng khoán phản ứng "yên bình" trước đợt tăng lãi suất của FED?
Tác động chưa nhiều
Kết thúc cuộc họp kéo dài trong hai ngày 15-16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% lần đầu tiên kể từ năm 2018, khi cơ quan này bắt đầu tiến hành chu kỳ giảm lãi suất.
Có thể nói tác động từ việc FED tăng lãi suất với Việt Nam thì tác động chưa nhiều, tuy nhiên chúng ta phải theo dõi suốt hai năm tiếp theo vì thị trường còn nhiều xáo trộn
Tại cuộc họp, FED cũng phát tín hiệu về việc khả năng sẽ tiến hành thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay lên khoảng 1,9% vào cuối năm, sau đó sẽ tiếp tục tiến hành thêm 3 đợt tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối 2023, và ổn định mức lãi suất này trong năm 2024. Đồng thời sẽ bắt đầu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vào tháng 5 tới đây, với mục tiêu cơ bản là chống lạm phát.
Bình luận về vấn đề này, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, năm 2021, FED còn nhận định lạm phát là tạm thời, nhưng qua một năm, đặc biệt là chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, thì mặt bằng giá cả, đặc biệt là giá năng lượng đã bùng phát và bây giờ, cả thế giới đang nói về lạm phát.
Khảo sát của Bloomberg cách đây hai tuần cho thấy, có ba mối quan ngại lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp toàn cầu đó là: Chiến sự Nga – Ukraine; Suy thoái kinh tế có thể xảy ra; Và lạm phát. Nên đến thời điểm này, FED cho rằng đã đến lúc phải tăng lãi suất với ba lý do chính đó là: Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ phục hồi rất tốt trong năm vừa qua, tăng trưởng cao nhất trong vòng 40 năm với mức 5,7%, tương tự như mức tăng trưởng của toàn cầu.
Thứ hai, đó là việc làm việc làm của Mỹ đang đẩy về mức 3,8%, dự báo sẽ tiếp tục giảm tiếp trong thời gian tới.
Thứ ba, FED đưa ra giả định nếu không tăng lãi suất thì nguy cơ nguy hại của nó về việc giá cả tăng làm xói mòn thu nhập, tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.
TS. Cấn Văn Lực
“Tôi cho rằng lần này FED đã hành động rất thông minh với ba điểm là: họ tung tin trước cách đây khoảng hai tuần về dự kiến tăng lãi suất trong thời gian tới một cách từ từ nhỏ giọt, chỉ 0,25% không tạo ra cú sốc và họ công bố luôn lộ trình tiếp tục tăng lãi suất từ nay cho đến hết năm 2022 và cả năm 2023.
Như vậy để thấy, thông điệp của FED cực kỳ rõ ràng, các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sẽ hết sức chủ động về lộ trình tăng lãi suất, về kế hoạch sản xuất kinh doanh mà không làm xáo trộn thị trường quá nhiều. Điều này cũng làm giảm bớt đi hiệu ứng là nếu tăng lãi suất thì có bị suy thoái kinh tế không, FED vừa làm, vừa thận trọng, vừa theo dõi và đây là một động thái rất tích cực.
Còn về tác động, chúng tôi đánh giá sơ bộ rằng lần này không lớn lắm... Thứ nhất, nhà đầu tư đã đoán được trước tất cả các vấn đề, được tính vào giá cả, đặc biệt là giá chứng khoán, kể cả một số vấn đề liên quan đến tỷ giá cũng đã được tiên lượng trước, lượng hóa trước trong thời gian vừa qua, nên gần như thị trường chỉ có một chút biến động ở mức 0,5 - 1% đối với chứng khoán và các chỉ số khác nhau.
Thứ hai, tác động đối với thị trường khác như vàng, năng lượng đều có dấu hiệu giảm, bởi vì người ta thấy FED đã thực hiện đúng lộ trình cam kết của mình và đó là dấu hiệu thể hiện kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc.
Thứ ba, khi tăng lại suất như vậy thì đồng đô la Mỹ lên giá, đương nhiên song song với đó là giá vàng giảm, giá dầu có thể cũng sẽ có điều chỉnh đi xuống tiếp.
Có thể nói tác động như vậy là tương đối tích cực, được chủ động, được đón trước, còn với Việt Nam thì tác động chưa nhiều. Tuy nhiên chúng ta phải theo dõi suốt hai năm tiếp theo, thị trường còn nhiều xáo trộn, nên tôi dùng thuật ngữ rằng tác động chưa nhiều nhưng không chủ quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Vẫn cần thận trọng...
Đồng tình với các nhận xét trên, tuy nhiên ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ một góc nhìn khác đó là, câu chuyện FED tăng lãi suất đã có dự báo từ trước, nhưng quan trọng là nó bị cộng hưởng bởi hai cú sốc bao gồm dịch bệnh COVID-19 trong suốt hai năm qua, khiến nền kinh tế đã kiệt quệ, doanh nghiệp vô cùng khó khăn và thu nhập của người dân suy giảm, ngay kể cả đến nay Trung Quốc vẫn đang phong tỏa một số thành phố. Cùng với đó là cuộc chiến Nga – Ukraine bùng nổ, tất cả cộng hưởng lại gây hệ lụy như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất không giảm được, còn chiến tranh thì làm giá dầu tăng và “bom hạt nhân tài chính SWIFT” cô lập Nga làm ảnh hưởng rất nhiều đến tổng thể nền kinh tế nói chung trong đó có Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Hoè
Rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lo rằng, không cẩn thận thì nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng vừa đình đốn vừa lạm phát , đó mới là vấn đề nguy hiểm. Mặc dù FED rất thông minh, nhưng một mình FED thì chưa đủ mà phải cả thế giới, đặc biệt là có sự kết hợp của Trung Quốc.
“Vì Mỹ không thể cân hết nền kinh tế thế giới, không thể là đầu ra của toàn cầu, vì vậy rõ ràng thông điệp lo ngại về câu chuyện vừa đình đốn vừa lạm phát không phải là không có khả năng xảy ra nếu cuộc chiến của Nga - Ukraine vẫn tiếp tục mạnh mẽ và Trung Quốc vẫn tiếp tục phong tỏa”, ông Hoè phân tích.
Riêng với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, bối cảnh của chúng ta có một số điểm như sau: Một là điều hành vĩ mô mấy năm trở lại đây rất tích cực, dẫn đến điểm thứ hai là phản ứng chính sách của chúng ta ở cấp cao rất nhanh nhưng ở cấp cơ sở vẫn còn chậm, ví dụ với gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng đến bây giờ vẫn chưa đâu vào đâu, cho nên đến điểm thứ ba là chúng ta tranh thủ cơ hội này như thế nào để hạn chế bớt khó khăn, đặc biệt là vấn đề tác động tăng trưởng GDP, điều hành lạm phát cũng gặp khó khăn hơn, ngay cả vấn đề về tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ có vấn đề.
“Từ đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam cũng ảnh hưởng mặc dù mặt bằng lãi suất USD không có vấn đề gì, nhưng NHNN sẽ phải nâng lãi suất để đảm bảo tỷ giá ổn định, thì rõ ràng cơ hội giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ bị hạn chế rất nhiều. Đặc biệt, dòng vốn FDI sẽ ra sao, rồi nợ nước ngoài của Việt Nam, nếu vay nhiều bằng USD thì cũng cần phải tính, đó là những vấn đề mà kịch bản điều hành vĩ mô phải chú trọng”, ông Phạm Xuân Hoè băn khoăn.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, mặc dù việc nâng lãi suất của FED là rất ít nhưng cũng rất quan trọng, rõ ràng FED đã tính toán mức nâng dần dần. Điều này cũng phù hợp với sự biến động của nền kinh tế thế giới khó lường trong bối cảnh bệnh dịch vẫn còn có nhiều tác động, cũng như diễn biến của xung đột Nga - Ukraine mà chưa ai đoán được sẽ kết thúc lúc nào và đi đến đâu.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh
Tác động đối với các thị trường và đối với nền kinh tế Mỹ thực tế là không lớn, nhưng nó đã cho thấy tác động tích cực đó là đồng USD sau đó lên giá một chút, nhưng lại bình ổn ngày và quay trở về vị trí cũ. Với cách làm như vậy, nền kinh tế thế giới có thể dễ dàng thích ứng với sự biến đổi của FED.
Hiện nay, Việt Nam chúng ta có tổng vay nợ nước ngoài không lớn, vì trong khoảng thời gian 7- 8 năm gần đây, chúng ta đã cố gắng giảm vay nợ nước ngoài và tăng cường vay nợ trái phiếu trong nước, để bù đắp thiếu hụt của ngân sách nhà nước. Chúng ta cũng đã thay đổi cơ cấu vay nợ, mà trong cơ cấu đó đồng USD chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với trước đây rất nhiều, vì vậy, khi đồng USD tăng lãi suất, gần như không tác động lớn đến vay nợ và trả nợ của Việt Nam.
Ngoài ra, nếu nói về đầu tư trực tiếp nước ngoài, một điều rất đáng mừng là ngay trong năm 2021, mặc dù Việt Nam gặp khó khăn cực kỳ lớn do đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn đón hơn 32,6 tỷ USD đầu tư trực tiếp và khối lượng giải ngân cũng rất lớn, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức khoảng 6,3 tỷ USD, còn mức vốn các nhà đầu tư nước ngoài đổ thêm vào mua cổ phần ở Việt Nam khoảng gần 770 triệu USD,...
“Với mức lãi suất tăng lên 0,25% thì tôi cho rằng trong thời gian tới, vốn FDI cũng không có ai rút khỏi Việt Nam mà sẽ còn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy giá của VND có thể có tác động, vì ngay những ngày đầu nó cũng có tác động lớn khi USD lên giá so với VND, nhưng sau đó đến thời điểm một vài ngày gần đây giá USD dần dần trở về vị trí cũ. Chúng tôi cũng đã nhận định rằng, trong một vài năm gần đây, với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô rất tốt của Nhà nước, thì tỷ giá VND/USD và các đồng ngoại tệ mạnh tương đối ổn định, do đó, những thay đổi nhỏ như hiện nay thì tỷ giá vẫn có khả năng giữ ổn định”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Diễn đàn doanh nghiệp