Vì sao lợi nhuận hai 'ông lớn' dệt may ở miền Trung giảm mạnh?
Trong quý III/2023, CTCP dệt may Huế lợi nhuận ghi nhận 15,8 tỷ đồng, giảm đến 70%; trong khi đó Tổng CTCP dệt may Hoà Thọ có lợi nhuận 59,5 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
- 23-10-2023Dệt may Việt Nam mong ngóng thị trường 'ấm' lên
- 05-10-2023Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Giảm tồn kho tại Mỹ chưa tạo bứt phá cho xuất khẩu
- 23-09-2023Doanh nghiệp dệt may nội địa gặp khó về nguyên liệu trong sân chơi kinh tế tuần hoàn
Trong 9 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khiến cho doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty dệt may sụt giảm mạnh, trong đó các công ty ở miền Trung không ngoại lệ.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của CTCP dệt may Huế (Huegatex), trong quý III/2023, công ty này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 385 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, lợi nhuận kế toán sau thuế trong quý này chỉ đạt 15,8 tỷ đồng, giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, lũy kế 9 tháng năm 2023, Huegatex ghi nhận doanh thu 1.308 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Và lợi nhuận trước thuế hơn 86 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế ở mức 69 tỷ đồng, giảm 44% so với 9 tháng năm 2022.
Theo CTCP dệt may Huế, quý III/2023 lợi nhuận giảm đến 70% là do tình hình kinh tế, chính trị xã hội có nhiều biến động phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoat động sản xuất kinh doanh của công ty.
Trong đó, doanh thu tiêu thụ của công ty sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 23%) do nhu cầu mua sắm các sản phẩm ngành dệt may giảm rõ rệt. Các đơn hàng may giảm về cả số luợng và đơn giá bán.
Ngoài ra, nhu cầu và giá bán của ngành sợi vẫn biến động khó lường và không ổn định, chưa có sự cải thiện trong giai đoạn đầu năm 2023; giá bán sợi giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 28%).
Năm 2023, CTCP dệt may Huế đặt ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.932 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng năm 2023, công ty này đạt 72% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tại ngày 30/9/2023, Huegatex ghi nhận tổng tài sản 1.036 tỷ đồng, giảm 122 tỷ đồng so với số tại ngày đầu năm.
Mặc dù kinh doanh gặp nhiều khó khăn, song nợ phải trả của Huegatex giảm mạnh so với hồi đầu năm. Thời điểm ngày 30/9, nợ phải trả của công ty này ghi nhận 634 tỷ đồng, giảm 116 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 505 tỷ đồng.
Tương tự, tại Tổng CTCP dệt may Hòa Thọ, theo báo cáo hợp nhất tài chính quý III/2023, doanh nghiệp này có doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.270 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trong quý này đạt 59,5 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Như vậy, lũy kế 9 tháng, Hòa Thọ ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.582 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận 9 tháng ở mức 141 tỷ đồng, giảm 34% so với 9 tháng năm 2022.
Theo Tổng CTCP dệt may Hòa Thọ, từ đầu năm 2023 đến nay, với sự biến động của nền kinh tế trên toàn thế giới, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế đã tác động trực tiếp đến ngành dệt may.
Cụ thể, nhu cầu mua sắm hàng may mặc của khách hàng giảm, phản ánh qua việc sụt giảm doanh thu quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu và giá bán của ngành sợi vẫn chưa được cải thiện. Lãi suất tăng mạnh dẫn đến chi phí lãi vay tăng 58% so với cùng kỳ.
Tại ngày 30/9/2023, Hòa Thọ ghi nhận tổng tài sản 2.491 tỷ đồng, tăng 97 tỷ đồng so với số tại ngày đầu năm.
Đáng chú ý, cũng tại thời điểm này, nợ phải trả của Hòa Thọ ghi nhận 1.609 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với đầu năm; trong chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 1.362 tỷ đồng.
Nhà đầu tư