MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu?

15-09-2021 - 07:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Tại BIDV, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn không thay đổi, còn các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động  giảm 0,1 điểm %, về 5,5%/năm.

Tại BIDV, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn không thay đổi, còn các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động giảm 0,1 điểm %, về 5,5%/năm.

Cho đến thời điểm hiện nay, lãi suất huy động tại một số kỳ hạn của nhiều nhà băng đã tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu so với trước...

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu

Theo khảo sát, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm trong tháng 9/2021 tại nhiều ngân hàng với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,5%/năm so với biểu lãi suất đầu tháng 8/2021.

Tại Ngân hàng TMCP TPBank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thêm 0,1% xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,5%, từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm; kỳ hạn 18 và 36 tháng giảm 0,3%, xuống còn 6%/năm.

Đối với gửi tiết kiệm trực tuyến, TPBank cũng điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn, mức giảm nhiều nhất tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8.

Tại Ngân hàng TMCP Sacombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,1% xuống còn 5,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,4% xuống 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,2%, còn 3%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,3%, còn 2,9%/năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tiến hành hạ lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn, với mức giảm 0,1 điểm % so với đầu tháng trước. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng tại ACB dao động từ 3,3-5,9%/năm.

Trong khi đó, biểu lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của 4 nhà băng quốc doanh (gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) không thay đổi so với đầu tháng 8/2021. Còn các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng, lãi suất huy động của Agribank và BIDV giảm 0,1%, về 5,5%/năm.

Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND của nhóm Big4 này ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,5-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng; 3,2-4% với kỳ hạn 3 tháng; 4-6,25% với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng; 4-6,4% đối với tiền gửi có kỳ hạn 9 tháng… 

Lãi suất huy động đã giảm khoảng 1,5-2,5%/năm trong hơn 1 năm qua và lãi suất nhiều kỳ hạn tiếp tục ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng cũng thấp kỷ lục trong gần 10 năm qua. Theo đó, không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà việc cho vay vốn cũng không dễ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài… Nhiều ngân hàng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn như trước.

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Trên thực tế, trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88 nghìn tỷ, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm.

Tác động tới nền kinh tế ra sao?

Báo cáo của Trung tâm phân tích CTCK SSI nhận định, tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi lệnh giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thanh khoản trên hệ thống nhờ đó vẫn duy trì trạng thái dồi dào và lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp

Tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4,0% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp. Mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước COVID, do vậy SSI kỳ vọng lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Số liệu từ NHNN cho thấy, 6 tháng đầu năm người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Còn tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là là 233.200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ xảy ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác, gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn. Điều này khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng mạnh. Hoạt động huy động trên thị trường có dấu hiệu tăng chậm. Như vậy, tình hình huy động vốn và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại tại địa bàn thực hiện Chỉ thị 16/TTG sẽ bi ảnh hưởng mạnh tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhu cầu vay vốn sụt giảm và dòng tiền nhàn rỗi của dân cư vào hệ thống ngân hàng cũng bị giảm theo…

Theo Hà Phương

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên