Vì sao năm nào cũng phải sửa cầu Thăng Long?
Với 3 km mặt cầu, năm 2019 cầu Thăng Long (Hà Nội) được duyệt kinh phí duy tu, sửa chữa 1,6 tỷ đồng. So với số kinh phí duy tu, sửa chữa thông thường, số kinh phí này đang cao gấp 11 lần.
- 22-08-2018Việt Nam đề nghị chuyên gia Nga hỗ trợ sửa chữa mặt cầu Thăng Long
- 25-12-2017Bãi rác ngập dưới chân cầu Thăng Long
- 23-11-2017Chợ cơ khí "mọc" dưới gần cầu Thăng Long, ảnh hưởng nghiêm trọng hành lang đường sắt
Trước thực trạng mặt cầu Thăng Long bị hỏng nặng (Tiền Phong ngày 6/6 đã phản ánh), trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa cho biết, tính đến 20/6, toàn bộ hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long đã cơ bản được sửa chữa. Với những đoạn bị ổ gà, sống trâu đơn vị thi công đã thảm bù bê tông nhựa để tạo bằng phẳng. Riêng với những đoạn mặt cầu bị rạn, rách mạng nhện… đơn vị đang yêu cầu nhà thầu cào ra thảm lại để đảm bảo phương tiện đi lại êm thuận.
Đánh giá về việc hư hỏng mặt cầu Thăng Long thời gian qua, ông Hà cho rằng, từ đầu năm đến nay do nắng nóng và mưa nhiều nên việc sửa chữa mặt cầu phải duy trì thường xuyên, liên tục. Riêng trong nửa đầu tháng 6 vừa qua, do có thời điểm nắng nóng lên đến 40 độ, làm lớp bê tông nhựa mặt cầu bị co giãn, gây ra nhiều sống trâu, ổ gà hơn so với thời gian trước đó. Do vậy, việc sửa chữa những diện tích mặt cầu bị hư hỏng trong tháng 6 là một “gói” riêng so với kinh phí chi cho kế hoạch năm.
Về tổng diện tích mặt cầu đã sửa chữa vừa qua, ông Hà cho biết, tính từ đầu năm đến tháng hết tháng 5/2019, đơn vị đã thực hiện sửa chữa trên 1.200m2 mặt cầu; riêng trong nửa đầu tháng 6 là hơn 500m2.
Đề cập nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa cầu Thăng Long, một đại diện khác của Cục Quản lý đường bộ 1 cho biết, năm 2019 đơn vị được Tổng cục ĐBVN duyệt chi 1,6 tỷ để duy tu, sửa chữa cầu Thăng Long. Tuy nhiên do từ đầu năm đến nay mặt cầu hư hỏng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn nên chỉ đến tháng 5, đơn vị đã chi hết số tiền này, mục đích chi chủ yếu cho việc sửa chữa mặt cầu. Với toàn bộ khối lượng sửa chữa phát sinh trong tháng 6, đơn vị đang phải “nợ” nhà thầu.
Tốn kém gấp 11 lần thông thường
Cầu Thăng Long được xây dựng theo công nghệ của Liên Xô (cũ) - công nghệ Orthotropic và đưa vào sử dụng năm 1985. Theo ghi nhận, từ năm 2009 mặt cầu tầng 2 bắt đầu xuống cấp, từ đó đến nay mặt cầu liên tục được gia cố sửa chữa, trong đó có 2 lần lập thành dự án sửa chữa lớn với kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Thông tin với PV Tiền Phong về phạm vi mặt cầu bị hư hỏng, phải sửa chữa trong các năm vừa qua, đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết: Trên 10.500m2 tương đương khoảng 40% diện tích toàn mặt cầu đã phải sửa. Đề cập nguyên nhân xuống cấp, công tác sửa chữa trong thời gian tới, đại diện Tổng cục cho rằng, do mặt cầu được thảm đã lâu lại thực hiện theo công nghệ của Liên Xô cũ nên giờ thực hiện theo công nghệ này là rất khó. Do vậy, từ năm 2012 đến nay, mặt cầu Thăng Long năm nào cũng phải sửa chữa.
Tuy nhiên khác với việc lập thành dự án như hai lần trước, từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT cho phép thực hiện việc sửa chữa này theo hình thức duy tu, bảo trì hàng năm. Ngoài kinh phí 1,6 tỷ chi cho duy tu, sửa chữa cầu Thăng Long trong năm 2019, theo thông tin chúng tôi có được, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Bộ GTVT đã phải chi cho việc duy tu, sửa chữa 3,3 km cầu Thăng Long khoảng 1,5 tỷ đồng.
Từ số kinh phí 1,6 tỷ đã duyệt chi trong năm 2019, nếu chia bình quân cho 3,3 km cầu Thăng Long, thì một năm mỗi km cầu Thăng Long đang có chi phí duy tu, sửa chữa là 484 triệu đồng. So sánh với mức chi phí, duy tu sửa chữa cả đường và cầu tại tuyến đường cùng tuyến là Võ Văn Kiệt thì mức chi phí, duy tu sửa chữa cầu Thăng Long đang cao gấp 11 lần.
Cụ thể, tuyến đường Võ Văn Kiệt (cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài) có chiều dài 11 km, trên tuyến có 3 cầu vượt vượt sông là cầu Vân Trì, Cà Lồ, Hải Bối, hiện mỗi năm tuyến đường này có chi phí được duyệt chi là khoảng 500 triệu đồng, chia trung bình mỗi km chỉ có 45 triệu đồng/năm.
Tiền Phong