MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao người nước ngoài dù "mê" bất động sản nghỉ dưỡng nhưng không thể xuống tiền?

30-07-2020 - 09:54 AM | Bất động sản

Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng quy định pháp lý về việc này đã có nhưng chưa đủ rõ ràng khiến họ do dự.

Liên quan đến những Đề xuất cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về nhu cầu người nước ngoài mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện nay?

Là một đơn vị bán hàng, tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tôi nhận thấy bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là dòng sản phẩm được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là khách hàng đến từ các quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tôi nhận thấy, nhiều khách hàng người nước ngoài không chỉ có nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ để đầu tư mà còn có nhu cầu sử dụng cho bản thân và gia đình.

Cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng với giá bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang ở mức hợp lý là lý do chính khiến các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng có sức hút đối với khách nước ngoài hiện nay.

Với sự quan tâm lớn nhưng theo bà đâu là cản trở lớn nhất cho người nước ngoài khi muốn mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam?

Như chúng ta đều thấy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay vẫn những vướng mắc liên quan đến pháp lý. Ngay cả khách hàng trong nước cũng băn khoăn, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận 50 năm hay lâu dài.

Đối với khách nước ngoài việc có được mua bất động sản nghỉ dưỡng hay không vẫn chưa có quy định rõ ràng!. Người nước ngoài họ mong muốn sự rõ ràng, minh bạch trong quy định. Có được mua hay không? Mua thì được sở hữu bao nhiêu năm? Và dự án nào được mua?

Theo bà những cản trở này đang làm khó cho người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng thế nào?

Trong thời gian qua, cả nguồn cầu và nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng đều gặp vấn đề. Nguồn cung khan hiếm do vướng mắc về pháp lý, nguồn cầu thận trọng do Luật chưa quy định rõ ràng trong việc cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.

Chúng tôi đã từng gặp rất nhiều khách, ban đầu họ rất hứng thú với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Tuy nhiên. với những quy định không rõ ràng họ đã tìm hướng đi khác. Họ chuyển sang phân khúc BĐS nhà ở tại những dự án được quy định rõ ràng room 30% được bán cho người nước ngoài, người nước ngoài sở hữu sổ đỏ sở hữu 50 năm.

Bà có kiến nghị gì đến cơ quan chức năng để người nước ngoài dễ tiếp cận với các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng?

Thời gian gần đây, tôi thấy có những công văn hướng dẫn của Bộ Tài nguyên & Môi trường nhưng vẫn đang còn khá chung chung. Ngay đến khách trong nước vẫn có nhiều băn khoăn. Bởi vậy, cần những sổ tay hướng dẫn, quy định rõ ràng về các quy định điều khoản mua bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài.

Bên cạnh đó, nếu người nước ngoài được mua BĐS nghỉ dưỡng thì có cần có danh sách cụ thể các dự án nghỉ dưỡng và hạn mức được mua trong mỗi dự án tương tự như quy định các dự án nhà ở được phép bán cho người nước ngoài hiện nay.

Theo bà, nếu đề xuất người nước ngoài được mua nhà có thúc đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh hơn?

Tôi cho rằng từ trước đến nay thị trường BĐS Việt Nam tăng trưởng mạnh chủ yếu do lực đẩy từ sức cầu trong nước. Đối với nguồn khách nước ngoài chỉ góp phần làm phong phú sức cầu, sức mua từ nhà đầu tư nước ngoài không thể trở thành lực cầu chính để kéo sự phục hồi của thị trường.

Thị trường muốn phục hồi và phát triển đầu tiên là phải rõ ràng câu chuyện về pháp lý sản phẩm. Có rõ ràng nhà đầu tư mới có thể yên tâm, thị trường có giao dịch và phát triển.

Thanh Ngà

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên