Vì sao người Việt thích nói xấu đồng nghiệp, cô lập nhân viên mới và chê sinh viên mới ra trường là "bọn chỉ có lý thuyết suông"?
Có nhiều trường hợp "ma cũ bắt nạt ma mới" là vì chính họ khi mới vào cũng bị bắt nạt, cũng bị sai vặt, bị "hành".
- 26-02-20178 bí quyết giúp đồng nghiệp và cấp trên có thiện cảm hơn với bạn hơn trong công việc
- 15-02-2017Bạn không thể chọn đồng nghiệp nhưng phải biết cách "sống chung" với họ
- 23-01-2017Làm sao để 'chối khéo' mà không sợ sếp mắng, hay đồng nghiệp ghét
Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta nói nhiều về "team work" - khái niệm dùng để chỉ khả năng làm việc nhóm. Các kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng, nhất là trong một "thế giới phẳng", khi việc chuyên môn hoá ngày càng cao và không phải lúc nào lãnh đạo cũng là người làm việc giỏi nhất.
Trên thực tế, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập nhà sách Thái Hà từng đến một số doanh nghiệp và nhận ra rằng ở đó các nhân viên cũ luôn tìm cách nói xấu nhau, đặc biệt khi người bị nói xấu vắng mặt. Các nhân viên cũ ngăn cản công việc của nhân viên mới, gây khó khăn và cô lập họ. Nhiều quyết định của sếp không được thực thi một cách triệt để. Các nhân viên không phục sếp và có một rào cản vô hình giữa nhân viên và sếp.
Ngoài ra, các nhân viên không tin tưởng lẫn nhau và luôn đề phòng sếp. Họ không muốn và không có ý định hợp tác với nhau. Họ khá ích kỷ, luôn chỉ nghĩ đến mình và luôn ở thế phòng thủ. Họ thực sự cảm thấy không vui khi đến cơ quan, mau mau làm việc cho hết giờ.
Khi ai cũng coi mình là trung tâm
Trong cuộc sống nói chung và trong doanh nghiệp nói riêng, con người hay có xu thế coi mình là trung tâm và luôn nghĩ rằng mình rất quan trọng, đôi khi là quan trọng nhất. Người sản xuất hàng hoá nghĩ rằng mình quan trọng nhất vì nếu mình không sản xuất hàng hoá, công ty sẽ chẳng có hàng mà bán, không có doanh thu, không có lợi nhuận, sẽ không có lương và chẳng có thưởng.
Từ góc độ của mình, người bán hàng cho rằng họ mới là quan trọng nhất vì nếu sản xuất ra không có ai bán hàng, hoặc không biết bán hàng thì hàng chỉ chất đống trong kho, thành hàng tồn dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản.
Những cán bộ tài chính, kế toán thì luôn nghĩ rằng nếu không có họ, ai sẽ thu xếp tài chính, huy động vốn. Không có họ quản lý tiền bạc, đưa ra phương án sử dụng đồng tiền hợp lý thì bán hàng tốt cũng vô nghĩa.
Bộ phận chăm sóc khách hàng cũng tư duy rằng nếu họ chăm sóc khách hàng không tốt thì công ty sẽ mất khách hàng...
Ngay cả các nhân viên lái xe, văn phòng, lễ tân, bảo vệ cũng có những lý lẽ nói rằng họ vô cùng quan trọng.
Còn dĩ nhiên anh giám đốc luôn nghĩ rằng có mình mới có doanh nghiệp, có mình mới có công ăn việc làm, lương, thưởng cho cả công ty.
Và như vậy, ai cũng thấy mình quan trọng nhất, khiến không ai muốn phối hợp hay đoàn kết với các nhân viên khác, các bộ phận khác.
Rất tiếc rằng không ai trong số họ hiểu công ty là một cỗ máy, mỗi người trong số họ là một mắt xích của dây chuyền và tất cả đều quan trọng như nhau. Và chỉ cần mình không hợp tác tốt với các bộ phận khác, công việc của chính mình cũng bị đình trệ. Cách nghĩ coi bộ phận của mình là quan trọng nhất là cách nghĩ lạc hậu và ấu trĩ.
Chuyện ma mới ma cũ
Trong nhiều doanh nghiệp, việc các nhân viên cũ hay coi thường nhân viên mới diễn ra rất phổ biến. Nhân viên cũ coi những nhân viên mới vào nếu không là những người chỉ có lý thuyết suông (sinh viên mới ra trường) thì cũng là những người không nắm được việc. Vấn đề ở đây là mỗi nhân viên cũ hoàn toàn quên mất ngày xưa, thậm chí cách đây không lâu, họ cũng là nhân viên mới.
Như vậy, thấu hiểu tâm trạng của các nhân viên mới là hết sức quan trọng. Nếu như mỗi người đều biết rằng sau một thời gian làm việc, ai cũng sẽ nắm được việc, sẽ biết mình phải làm gì, làm như thế nào cho tốt nhất thì sẽ không có chuyện phân biệt người mới và người cũ.
Cũng có nhiều trường hợp "ma cũ bắt nạt ma mới" là vì chính họ khi mới vào cũng bị bắt nạt, cũng bị sai vặt, bị "hành".
Nếu như họ hiểu những khó khăn và vướng mắc của chính họ khi mới vào doanh nghiệp thì họ sẽ đối xử tốt đối với các nhân viên mới. Thực tế cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển được nhân viên giỏi đã mong muốn họ sẽ trở thành những nhân tố mới tích cực trong công ty. Nhưng do người mới gặp phải quá nhiều những rào cản về văn hoá doanh nghiệp cũng như những trì trệ của các nhân viên cũ, khiến họ nản lòng và phải ra đi. Việc ra đi này có thể gây chút ít khó khăn với nhân viên đó nhưng sẽ là một tổn thất đáng kể với doanh nghiệp nếu người nhân viên đó có năng lực thực sự.
Theo ông Hùng, trong doanh nghiệp, các nhân viên có tài, có khả năng vượt trội cần phải học đức tính khiêm tốn và tạo điều kiện để các đồng nghiệp khác có cơ hội thể hiện mình, có thể tham gia vào công việc chung, cùng mang lại thành quả cho tập thể. Việc hợp lực giữa các nhân viên với nhau không thể tính theo công thức 1 + 1 = 2 mà phải là 1 + 1 = n, trong đó n bao giờ cũng lớn hơn 2, thậm chí là trăm hay ngàn. Bất hợp tác giữa các thành viên có thể mang lại kết quả 10 - 1 = n, trong đó n nhỏ hơn 9 và có thể chỉ là 0, thậm chí gây thiệt hại.
Có nhiều tính cách khác nhau tại công sở và khi hợp lại thành một văn phòng hay một công ty, các tính cách này qua quá trình làm việc có dịp cọ xát và gây ra nhiều mâu thuẫn cần giải quyết. Trong mối quan hệ giữa các nhân viên cũ và mới, việc chủ động giao tiếp đúng cách của mỗi nhân viên với đồng nghiệp của mình là rất quan trọng.
Các đồng nghiệp cũ nên chủ động nói chuyện với các nhân viên mới, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế của họ để tìm cách giúp đỡ. Nhân viên mới thấy được chỗ dựa, tự tin hơn và làm việc tốt hơn.
Các nhân viên mới cũng nên chủ động trong giao tiếp, tạo cảm giác gần gũi. Trên thực tế, nên xây dựng quan hệ anh em hoặc sư phụ - đệ tử giữa các nhân viên cũ và mới.
Trí thức trẻ