Vì sao nhiều nơi vẫn có thể bán cả Pepsi và Coca Cola nhưng riêng những nhà hàng như KFC hay McDonald’s thì không? ‘Gông cùm’ nằm ngay gần quầy thu ngân!
KFC hay McDonald’s dù có thể không ham vật phẩm miễn phí như đồng hồ, bàn ghế... nhưng họ cũng chỉ chọn được cách là bán hoặc Pepsi, hoặc Coca Cola.
Theo một cựu giám đốc bán hàng của Pepsi, công ty này thường xuyên chi số tiền lớn cho các chiến dịch quảng cáo tầm cỡ cũng như lấy lòng giám đốc của các công ty điều hành nhà hàng để sản phẩm của hãng trở thành đồ uống chính thức của họ.
Một trong những nguyên nhân của việc nhiều nơi chỉ bán Pepsi hoặc Coca Cola nằm ở hợp đồng đại lý giữa các bên. Theo đó, các địa điểm kinh doanh sẽ bán duy nhất sản phẩm của một trong hai gã khổng lồ giải khát và đổi lại, họ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt như áo phông, mũ lưỡi trai, đồng hồ, bàn ghế và thùng giữ lạnh có in logo của hãng hoàn toàn miễn phí. Đó đều là những vật phẩm không tốn của Coca Cola và Pepsi nhiều chi phí nhưng lại có khả năng truyền bá hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ.
Thậm chí trong một số trường hợp, toàn bộ nhà hàng sẽ được phủ màu xanh (của Pepsi) hoặc màu đỏ (của Coca Cola). Ngoài ra, họ còn được mua sản phẩm với giá ưu đãi và khuyến mãi đặc biệt mỗi năm vài lần. Một nhân viên Coca Cola chia sẻ: "Chúng tôi không cho đi bất cứ thứ gì miễn phí mà không có mục đích".
Thế nhưng có một thực tế là trên thế giới vẫn tồn tại nhiều nơi bán đồng thời sản phẩm của cả Coca Cola và Pepsi. Đối với họ, những đồ được tặng kèm miễn phí cùng ưu đãi không có ý nghĩa bằng việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm để thu hút khách hàng. Hơn nữa, họ không muốn bị ràng buộc và phụ thuộc quá nhiều vào đối tác.
Không ít cửa hàng, siêu thị vẫn nhập cả Coca và Pepsi về bán.
Trong khi đó, những nhà hàng như KFC hay McDonald’s, dù có thể không quá ham vật phẩm miễn phí nhưng họ cũng chỉ chọn được cách là bán hoặc Pepsi, hoặc Coca Cola.
Ron McEachern, một quản lý có 35 năm kinh nghiệm trong ngành đồ uống cho biết: "Ở những nhà hàng đồ ăn nhanh như KFC hay McDonald’s, họ sử dụng máy bán nước ngọt tươi thay vì các loại lon và chai nhựa như các cửa hàng bán lẻ hay siêu thị. Điều này đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà hàng. Tuy nhiên, đồ uống từ loại máy này đòi hỏi thiết bị tinh vi và đắt tiền để pha trộn và tạo ra sản phẩm luôn sủi ga.
Trên thực tế, người ta tạo ra những cốc được gọi là ‘Coca Cola tươi’ hay ‘Pepsi tươi’ bằng cách pha siro với nước. Sau đó, hỗn hợp sẽ được tạo ga bên trong chiếc máy của cửa hàng.
Hợp đồng cung cấp thiết bị trên của các nhà hàng thường chỉ được ký với một nhà cung cấp duy nhất, là Coca Cola hoặc Pepsi bởi lẽ cả hai không bao giờ muốn chung đụng với đối thủ mà chỉ muốn ‘hưởng’ trọn lợi nhuận của những nơi chỉ bán duy nhất sản phẩm của họ".
Chiếc máy pha Pepsi tươi gần quầy thu ngân của một nhà hàng KFC.
David Williamson, một Giáo sư Kinh doanh và tư vấn quản lý chia sẻ: "Trong ngành công nghiệp nhà hàng, thiết bị dùng để pha chế đồ uống là do nhà phân phối chính loại đồ uống đó cung cấp. Vì vậy, nếu Coca Cola hoặc Pepsi cung cấp máy pha chế cho bạn thì tất nhiên họ sẽ không để bạn bán sản phẩm của đối thủ. Còn nếu bạn quyết định đổi sang đối tác khác, cũng được thôi nhưng sẽ gặp không ít khó khăn bởi lẽ chẳng ai muốn ‘nhả’ con mồi trong miệng ra để nhường chỗ cho kẻ khác cả.
Ví dụ điển hình là khi một nhà hàng báo lại rằng họ muốn chuyển sang nhà cung cấp khác và muốn tháo máy pha chế, phía Coca Cola/Pepsi sẽ lần lữa trì hoãn việc đó cho đến khi nhà hàng mất kiên nhẫn và tìm cách tự tháo bỏ. Sau đó, họ sẽ cất chiếc máy vào kho và đợi người của Coca Cola/Pepsi đến lấy. Cũng có trường hợp nhà cung cấp đưa ra điều khoản hấp dẫn để giữ chân nhà hàng".
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại máy pha nước ngọt tươi. Một chiếc máy chất lượng tốt, chuyên nghiệp và pha được nhiều loại đồ uống cùng lúc có giá lên tới hàng chục nghìn USD, một mức giá đắt đỏ đối với các chuỗi sở hữu nhiều nhà hàng trên khắp thế giới như KFC và McDonald’s.
Một chiếc máy pha nước ngọt tươi có giá không hề thấp.
Trong khi đó, phí thuê một chiếc máy tương tự của Coca Cola hay Pepsi chỉ 300 USD/tháng. Thay vì bỏ từ 10.000 USD đến 20.0000 USD, các nhà hàng sẽ thuê máy được trong khoảng 3 năm đến 5 năm, thời gian mà nếu có chuyện gì xảy ra khiến cửa hàng phải đóng cửa sớm hơn, họ sẽ vẫn tiết kiệm được chi phí. Cuối cùng, mua máy rẻ có thể không đảm bảo chất lượng nên cách tốt nhất là dùng máy của nhà cung ứng đồ uống. Điều tương tự cũng được áp dụng với những chiếc tủ lạnh lớn chuyên bảo quản đồ uống của các nhà hàng.
Trí thức trẻ