MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao NHNN “giật ngược” tỷ giá trung tâm?

29-01-2019 - 09:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi liên tục tăng từ tháng 11/2018, thì đến ngày 28/1 tỷ giá trung tâm bất ngờ giảm tới 22 đồng xuống còn 22.858 VND/USD.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
93 bài viết
Vì sao NHNN “giật ngược” tỷ giá trung tâm? - Ảnh 1.

Diễn biến tỷ giá trong thời gian qua

Tỷ giá trung tâm giảm mạnh trở lại cho dù diễn biến USD trên thị trường thế giới không có gì đột biến và thị trường ngoại hối trong nước cũng khá yên ả. Động thái này được cho là bất ngờ, bởi trước đó, bất chấp việc USD trên thị trường thế giới đang trong xu hướng điều chỉnh giảm sau khi FED được dự báo sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, nhưng NHNN vẫn đều đặn tăng tỷ giá trung tâm suốt từ cuối tháng 11/2018 đến ngày 27/1, với chỉ 2- 3 đồng, thỉnh thoảng là 5 đồng.

Cụ thể, từ cuối tháng 11 đến nay, chỉ số USD đã giảm khoảng 1,5% và hiện đang xoay quanh 95,75 điểm. Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm đã tăng 108 đồng/USD và nếu không tính phiên “giật ngược” mạnh hôm qua, thì tỷ giá trung tâm tăng tới 130 đồng/USD.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường cũng có xu hướng giảm cùng với đồng USD thế giới. Hiện giá bán ra USD tại các ngân hàng đang dao động trong khoảng 23.230 - 23.250 đồng/USD, còn giá mua vào trong khoảng 23.130 - 23.150 đồng/USD, giảm khoảng 110 - 120 đồng mỗi chiều so với thời điểm cuối tháng 11/2018.

Đâu là lý do khiến nhà điều hành có một cú “giật ngược” tỷ giá như vậy? Theo một chuyên gia ngân hàng, động thái này của NHNN là hoàn toàn hợp lý khi mà sức ép lên tỷ giá đã với bớt do đồng USD trên thị trường thế giới đang trong xu hướng giảm “khá bền vững” sau khi FED phát đi tín hiệu có thể giảm tốc độ, thậm chí ngừng tăng lãi suất trong năm nay.

Trên thực tế, đồng USD trên thị trường quốc tế cũng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua khi mà các nhà đầu tư đặt cược FED sẽ không có bất kỳ một động thái gì tại cuộc họp chính sách sẽ diễn ra ngày 29-30/1 tới trong bối cảnh kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung đang có dấu hiệu chậm lại. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (CNY) cũng có xu hướng phục hồi khi mà đồng USD suy yếu.

Theo Công ty chứng khoán SSI, USD ổn định trong thời gian qua nhờ áp lực ngắn hạn từ diễn biến USD và CNY với tỷ giá VND đã giảm, cung cầu ngoại tệ thuận lợi và chênh lệch lãi suất giữa USD và VND.

Còn một lý do khác dẫn tới cú “giật ngược” tỷ giá của NHNN cũng được vị chuyên gia nói trên chỉ ra, đó là nhà điều hành có thể muốn phá bỏ tâm lý găm giữ ngoại tệ đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Quả vậy, những biến động của tỷ giá trong năm vừa qua đã khiến tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp có xu hướng tăng trở lại. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tiền gửi ngoại tệ tăng rất mạnh tới 17% trong năm 2018, cao gấp hơn 8 lần mức tăng 2,1% của năm 2017, qua đó đưa nguồn vốn ngoại tệ chiếm tới 9,9% tổng nguồn vốn huy động của các TCTD. Điều đáng lưu ý là tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh cho dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện vẫn được neo ở mức 0%.

TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp có vẻ như bắt đầu không dùng ngoại tệ để kinh doanh nữa mà gửi ngân hàng. “Điều đó cho thấy các doanh nghiệp cũng rất cẩn trọng trong việc giữ khả năng thanh toán ngoại tệ của mình, tỏ ra lo ngại việc tỷ giá hối đoái có thể tăng”, ông Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, mặc dù lượng kiều hối năm 2018 đạt tới 16 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại cũng thặng dư kỷ lục 6,8 tỷ USD, vốn FDI giải ngân cũng đạt tới 19,1 tỷ USD… nhưng lượng ngoại tệ mà nhà điều hành mua được trong năm qua là khá nhỏ, chỉ khoảng 6 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu cũng bởi tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Quay trở lại với động thái giảm mạnh tỷ giá trung tâm của NHNN, vị chuyên gia nói trên giải thích, việc nhà điều hành liên tục tăng tỷ giá trung tâm trong hai tháng vừa qua xét ở chừng mức nào đó cũng góp phần tạo tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng, từ đó dẫn tới tâm lý găm giữ ngoại tệ. “Rất cần những cú “giật ngược” tỷ giá như vậy mới có thể xua tan kỳ vọng này cũng như xóa bỏ tình trạng găm giữ ngoại tệ”, vị này cho biết.

Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng lưu ý về thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh tỷ giá không nên quá đột ngột để tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên