MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao những người đang trên đỉnh cao của danh vọng vẫn tìm đến cái chết?

24-06-2018 - 06:40 AM | Sống

Sự ra đi đột ngột của nhà thiết kế thời trang Kate Spade và đầu bếp danh tiếng Anthony Bourdain đã gây sốc cho nhiều người. Vì sao họ là những người dường như đang có tất cả trong tay, nhưng phút chốc, tất cả biến thành cát bụi?

Liệu có tiền bạc, danh vọng và quyền lực tuyệt vời có thể giúp ai đó thoát khỏi trầm cảm? Sau nhiều năm nghiên cứu nguồn gốc của bệnh trầm cảm trong xã hội đương đại câu trả lời của các nhà tâm lý học là không. Bạn có thể dùng tiền để thuê các nhà trị liệu giỏi, danh tiếng có thể mang đến cho bạn những người hâm mộ và quyền lực giúp bạn thoát khỏi những gian khổ của cuộc sống, nhưng không điều gì trong số đó có thể điều khiển được tâm lý, giảm mức độ trầm cảm của bạn.

Con người không ngừng tìm kiếm quyền lực, danh tiếng và tiền bạc trong cuộc đua để tồn tại và sinh sản. Hầu hết mọi người nghĩ ràng, niềm vui là có được 1 tỷ đô la, sống trong một lâu đài và có những người phục vụ trung thành. Những thực tế, niềm vui khi có tất cả mọi thứ không kéo dài. Những người giàu có, nổi tiếng và quyền lực có thể phải vật lộn với sự cô đơn, dù có tất cả trong tay nhưng vẫn loay hoay với không thể tìm ra lối thoát cho chính mình.

Từ vụ tự tử của đầu bếp Anthony Bourdain: Vì sao những người đang trên đỉnh cao vẫn tìm đến cái chết - Ảnh 1.

Những người như đầu bếp Anthony Bourdain, nhà thiết kế Kate Spade hay nhà văn, nghệ sĩ khác cũng là người trần tục, cho dù họ có trí tuệ sáng tạo, thông thái hơn, giàu trải nghiệm hơn và có vẻ như hiểu thấu cuộc đời hơn. Nhưng chính bản thân họ đôi khi không thể tự thoát ra khỏi "hố sâu" trầm cảm. Lựa chọn cái chết đối với họ không phải là sự ích kỷ mà là vì họ không còn tinh thần gì nữa, không thể suy nghĩ đến bất cứ ai.

Những niềm vui ảo ảnh

Tìm kiếm những thành tựu có thể là điều tự nhiên, nhưng khi nói đến tâm trạng, hàng triệu người lại tìm kiếm những niềm vui "ảo ảnh". Nhưng trạng thái "niềm vui mãnh liệt" khi sở hữu điều gì đó không kéo dài. Vì thế khoảng cách quá xa giữa những gì chúng ta tìm kiếm và những gì chúng ta có thể cảm nhận gây ra sự bất mãn mãn tính, dẫn đến trầm cảm. Thực tế, khoa học có bằng chứng cho thấy những người coi trọng hạnh phúc nhất thực sự là những người dễ chán nản nhất.

Bất cứ ai trong cuộc đời này cũng có thể bị trầm cảm. Những người nổi tiếng, giàu có và quyền lực nhất thậm chí có nguy cơ trầm cảm nặng hơn bởi họ đã ở đỉnh cao của thành công nhưng vẫn băn khoăn với câu hỏi: "Tại sao tôi không hạnh phúc?" mà lại chẳng thể tìm ra câu trả lời.

Ngày nay, việc sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram làm tăng thêm áp lực trong cuộc chạy đua ở thế giới ảo. Nhiều người khoe cuộc sống màu hồng với những chuyến du lịch sang chảnh, xe sang, nhà đẹp... đã được chỉnh sửa kỹ.Có lẽ không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều người bị trầm cảm.

Trao đổi với CNN, bác sĩ tâm thần Charles Raison, Los Angles, Mỹ cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hành vi tự tử của con người: tuyệt vọng về tương lai phía trước, bệnh tâm thần dẫn đến suy nghĩ phải chết và bệnh trầm cảm.

Trong đó, trầm cảm là một trong những nỗi đau khủng khiếp nhất bởi nó khiến người ta phải chịu đựng cảm giác đau khổ kèm cảm giác bất lực, tin rằng bản thân không thể thoát khỏi nỗi đau vô tận. Bị giày vò bởi suy nghĩ "cuộc sống có lẽ sẽ tốt hơn nếu không có tôi", "tôi là một điều tệ hại", những người bị trầm cảm trở nên không chịu đựng nổi, bất lực với bản thân. Tự tìm đến cái chết đối với họ như một cách để tự giải phóng, thoát khỏi thực tại tù túng.

Từ vụ tự tử của đầu bếp Anthony Bourdain: Vì sao những người đang trên đỉnh cao vẫn tìm đến cái chết - Ảnh 2.

Với nỗi cô đơn của những người ở trên đỉnh cao, họ dường như có trong tay tất cả nhưng lại không bao giờ thấy hài lòng, hạnh phúc. Họ bị mắc kẹt trong chính thế giới của họ, sống theo khuôn mẫu về một người hoàn hảo mà xã hội tạo ra, che giấu những áp lực, nỗi buồn, sự căng thẳng mà họ phải chịu đựng. Đến khi mọi chuyện "phát nổ" thì đã quá muộn.

Theo trích dẫn số liệu thông kê của Mỹ, số người bị trầm cảm và tự tử đang tăng mạnh. Nhiều người chỉ đang cố thể hiện một cuộc sống bình thường để che giấu nỗi đau sâu bên trong.

Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật CDC chỉ ra rằng tỉ lệ tự tử tăng gần như ở mỗi bang của Mỹ (trừ bang Nevada) kể từ năm 1999 đến 2016, trong đó một nửa số bang có tỉ lệ tự tử tăng hơn 30%. Đối với phụ nữ, những người trong độ tuổi từ 45 đến 64 có tỉ lệ tự tử cao nhất.

Tỉ lệ tự tử tăng nhiều nhất ở khu vực miền bắc và miền trung của Mỹ, chẳng hạn bang North Dakota có tỉ lệ tự tử tăng 57,6% tính từ năm 1999.

Minh An

The conversation

Trở lên trên