Vì sao nợ xấu của các công ty tài chính tăng vọt, có đơn vị lên tới 20% dư nợ?
Theo Hiệp hội Ngân hàng, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
- 31-10-2023Tình hình các công ty tài chính hết sức khó khăn, dư nợ giảm hơn 60.000 tỷ, nợ xấu có đơn vị lên tới 20%
- 30-10-2023Chỉ còn 1 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
- 28-10-2023Sacombank đã thu hồi được tổng cộng 90.800 tỷ đồng nợ xấu, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 6.840 tỷ
Phát biểu tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen" do VTV Digital tổ chức sáng nay (31/10), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Giải thích cho tình trạng nợ xấu tăng cao, theo ông Hùng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ.
"Có cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook …. nhưng không hề bị xử lý", ông Hùng cho biết.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cũng cho hay, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023.
Theo ông Ninh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng mạnh tại các tổ chức tài chính là do ảnh hưởng từ nền kinh tế gặp khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, GDP của Việt Nam tăng 4,24%, mức thấp nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay (trừ năm 2020, 2021 do tác động của dịch Covid-19).
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút khiến người lao động có xu hướng cắt giảm chi tiêu, Trong nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng âm trong doanh thu, thể hiện rõ nhất qua sự sụt giảm doanh thu của 3 “ông lớn” trong ngành bán lẻ là Thế Giới Di Động, Điện máy xanh và FPT Shop.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình bùng nợ; hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng,…
"Có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức - hay còn gọi là tín dụng đen. Việc bùng nổ các app cho vay tiêu dùng giả danh khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó", ông Ninh trăn trở.
Ngoài ra, theo ông Ninh, ý thức trả nợ của một số bộ phận khách hàng cũng đang gây khó khăn lớn cho các công ty tài chính. Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ luỵ lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.
Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng nguyên nhân của việc “bùng nợ” là do khách hàng chưa nhận thức rõ về hậu quả mang lại. Theo bà Nguyệt, việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, thậm chí là bị khách hàng đe dọa, sử dụng bạo lực.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – cho rằng nguyên nhân chính của việc “bùng nợ” là do nhận thức của người đi vay, mức độ hiểu biết về tài chính tiêu dùng thấp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về cho vay và cho vay tiêu dùng chưa đồng bộ.
Ông Lê Quốc Ninh - Đại diện Câu lạc bộ các Công ty tài chính, cho rằng giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế; các chính sách tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng.
Bên cạnh đó là, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen.
Ông Ninh cũng mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những giải pháp tiêu cực, thậm chí là ngăn cấm như hiện tại. Đồng thời phối hợp răn đe đối với những đối tượng cố tình mặc dù có tiền nhưng chạy ì không trả nợ.
"Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng", ông Ninh cho biết.
Tổng Giám đốc MB Shinsei cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.
"Dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp theo luật hiện nay bị cấm tại Việt Nam. Song theo tại nhiều nước, dịch vụ này được quy định rõ ràng, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.
Ông Ninh cũng đề nghìn Ngân hàng Nhà nước áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính có sự khách biệt so với các ngân hàng thương mại. Phù hợp với đặc thù hoạt động và cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình, thấp, không ổn định… của các công ty tài chính.
Nói về giải pháp cho vấn đề này, một số đề xuất khác cũng được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo gồm: Cơ quan chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý răn đe nhóm khách hàng không trả nợ; xây dựng hành pháp lý hoạt động xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu blacklist,…
Trong đó, bà Nguyễn Thanh Tùng (Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng giải pháp quan trọng nhất là cần nâng cao trách nhiệm của người dân “đã đi vay là phải có ý thức trả nợ”.
Nhịp sống Thị trường