MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao ở Việt Nam số công trình công nghiệp xanh còn hạn chế?

Đến nay, trên cả nước mới chỉ có 146 công trình công nghiệp xanh. Đây là con số được các chuyên gia đánh giá là khá khiêm tốn nếu so sánh với tốc độ phát triển CTX của các quốc gia trong khu vực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu trong khu vực. Dù đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn thu hút được gần 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, đã có nhiều ý kiến cảnh báo về nguy cơ "lọt lưới" các dự án sản xuất có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh: "Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế". 

Các chuyên gia cho rằng, cần có tiêu chuẩn chặt chẽ để sàng lọc các dự án, ưu tiên dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới việc xây dựng các công trình công nghiệp xanh (CTX) để đảm bảo mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Nhận định về lợi ích của công trình xanh, ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia cho biết, công trình đáp ứng được những tiêu chuẩn CTX có thể tăng 3 - 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.

Vì sao ở Việt Nam số công trình công nghiệp xanh còn hạn chế? - Ảnh 1.

Tuy vậy, lý giải vì sao phát triển CTX của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng cho rằng, do doanh nghiệp e ngại kinh phí đầu tư cao, kiến thức về CTX vẫn còn chưa được phổ biến và bộ tiêu chí đánh giá CTX tại Việt Nam chưa hoàn thiện. "Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng các quy chế ưu đãi, hỗ trợ thuế, phí, tạo thuận lợi về thủ tục hồ sơ cho công trình tiết kiệm năng lượng và CTX", ông Thịnh cho biết thêm.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng chủ yếu 4 loại tiêu chuẩn công trình xanh bao gồm LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam), GREEN MARK (Hội đồng Công trình xanh Singapore) và EDGE (IFC Tổng công ty tài chính quốc tế – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới).

Công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam xuất phát triển muộn hơn các nước trong khu vực, bắt đầu được chú ý phát triển vào những năm 2010 – 2011 (trong khi các nước Đông Nam Á khác như Thailand, Singapore đã bắt đầu từ những năm 2007).

Đến nay, trên cả nước mới chỉ có 146 công trình công nghiệp xanh. Đây là con số được các chuyên gia đánh giá là khá khiêm tốn nếu so sánh với tốc độ phát triển CTX của các quốc gia trong khu vực. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đến hết tháng 5/2020, nước ta chỉ có 77 công trình xanh đạt chứng nhận LEED.

Ví dụ, ngành giấy Việt Nam có số CTX cực kỳ khiêm tốn dù tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định trong những năm gần đây. Cho đến cuối năm 2019, mới chỉ có một công ty giấy duy nhất - CP (CP Paper) là doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận LEED cho văn phòng và nhà xưởng. Đến năm nay, Việt Nam mới có CTX đạt chứng nhận thứ hai, là nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng tại Bình Dương do công ty cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm Tetra Pak xây dựng. Đây cũng là CTX đầu tiên của ngành công nghiệp giấy Việt Nam đạt chứng nhận LEED cấp độ Vàng.

Để xây dựng nhà máy này, Tetra Pak phải đầu tư tới 120 triệu EUR (tương đương 3.290 tỷ VND) cho một nhà máy 10 hecta chuyên sản xuất hộp giấy aseptic cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và châu Đại Dương. 

Vì sao ở Việt Nam số công trình công nghiệp xanh còn hạn chế? - Ảnh 2.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu xây dựng là rất lớn nhưng một công trình "chuẩn xanh" sẽ mang lại nhiều giá trị bền vững cho cộng đồng và lợi ích cho doanh nghiệp. Theo chia sẻ của Tetra Pak, sau hơn một năm đi vào hoạt động từ tháng 7/2019 đến nay, với công suất lớn lên tới 12 tỷ hộp giấy aseptic/năm, nhà máy này đã tiết kiệm được 17,6 triệu lít nước và điện lên tới 8,565 MWh/năm, tái sử dụng, tái chế 65% chất thải và giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.

Những con số về lợi ích cụ thể mà CTX mang lại cho chính doanh nghiệp, cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống , tiết kiệm nguồn năng lượng đang ngày càng cạn kiệt…của các doanh nghiệp đi đầu, được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ thúc đẩy số lượng CTX sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên