MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao phải tăng tuổi nghỉ hưu?

19-12-2016 - 10:22 AM | Xã hội

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths. Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH)...

Ths. Hà Đình Bốn, Vụ trưởngVụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH)
Ths. Hà Đình Bốn, Vụ trưởngVụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH)

Liên quan tới đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Ths. Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH), đơn vị được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động 2012.

Xu hướng tất yếu

Có ý kiến cho rằng, tăng độ tuổi nghỉ hưu để giải quyết tình trạng “vỡ quỹ bảo hiểm”, thưa ông?

Đây là cách hiểu chưa đầy đủ, chưa toàn diện, không phải là nguyên nhân cơ bản. Không thể có chuyện người lao động đóng thêm vài năm đã có thể cứu được Quỹ Bảo hiểm xã hội mà chỉ góp phần nhỏ để đảm bảo tốt hơn khả năng cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Vấn đề mất cân đối đầu vào - đầu ra của quỹ bảo hiểm hiện nay là do mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng, mức độ đóng và hưởng cao trong thời gian kéo dài và do cơ chế quản lý … Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đây chỉ là tác động nhỏ, nguyên nhân thứ yếu trong việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Vậy, nguyên nhân chính Bộ LĐ,TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là gì, thưa ông?

Tuổi nghỉ hưu của nước ta quy định từ năm 1961 đến nay vẫn không hề thay đổi; Trong khi tuổi thọ ngày càng tăng, điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện, đời sống nâng cao, dịch vụ chăm sóc y tế ngày càng tốt hơn. Tuổi thọ bình quân từ những năm 60 (khoảng gần 60 tuổi), tới nay đã tăng gần 20 tuổi (73-75 tuổi). Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu bình quân hiện đang khoảng 54,14 tuổi (theo số liệu năm 2012). Như vậy rõ ràng, sau khi về hưu, người lao động vẫn còn sống bình quân khoảng 20 năm nữa.

Bộ LĐ,TB&XH đã đề xuất hai phương án về độ tuổi nghỉ hưu:Phương án 1: Giữ nguyên như hiện nay, nam giới đủ 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.Phương án 2: Tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, theo lộ trình mỗi năm tăng ba tháng.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng đồng thời cũng đã bước sang giai đoạn già hóa dân số (từ năm 2011). Thời gian chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già của Việt Nam ngắn hơn nhiều nước, kể cả những nước có trình độ phát triển hơn. Vì vậy, tăng độ tuổi nghỉ hưu để đảm bảo tận dụng tốt nguồn nhân lực có chất xám, có kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu cũng để phù hợp với những công ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như: Công ước Cedaw, Công ước của ILO… Thực tế, thế giới hiện nay có rất nhiều nước nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi trở lên. Đây là xu hướng thế giới, quy luật tất yếu khách quan. Nếu hôm nay chúng ta không giải quyết thì sau này thế hệ con em chúng ta buộc phải giải quyết và lúc đó chắc chắn hệ lụy sẽ càng lớn hơn.

Lao động nữ trên công trường xây dựng công trình giao thông
Lao động nữ trên công trường xây dựng công trình giao thông

Căn cứ thực tế từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề

Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào tuổi thọ trung bình mà tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp mà cần phải dựa trên tính chất của công việc, ngành nghề để xem xét nên tăng hay giảm mới đảm bảo khoa học và công bằng. Ông nghĩ sao?

Tất nhiên phải căn cứ thực tế từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề. Không thể để một công nhân 60 tuổi vẫn leo cột điện, leo giàn giáo; Một cô giáo vùng cao hay chị công nhân giao thông gần 60 tuổi vẫn phải bám nghề...Tất cả những đối tượng nằm trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại sẽ vẫn được giữ nguyên quy định hiện nay và về hưu sớm hơn mức quy định đối với người lao động trong điều kiện bình thường. Thậm chí, với những đối tượng này còn phải có chế độ đãi ngộ tốt, tạo điều kiện cho họ chuyển công việc theo nhu cầu và sự lựa chọn phù hợp thị trường lao động.

Tóm lại, trong lần sửa đổi này, cần phải đặt ra nhiều phương án, có lộ trình hợp lý, phù hợp từng nhóm đối tượng, thậm chí nên có cả phương án “mềm” dành cho người có nguyện vọng vẫn có thể về nghỉ hưu như hiện nay mà không ảnh hưởng đến chế độ… Hiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và toàn dân, đặc biệt là các đối tượng người lao động ở các loại hình doanh nghiệp. Tới cuối tháng 12 này, chúng tôi mới tổng hợp và hoàn thiện lựa chọn phương án chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba (khoảng tháng 5/2017), sau khi Quốc hội cho ý kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến vào cuối năm 2017).

Cũng có ý kiến lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội việc làm của giới trẻ?

Hiện nay, dù chưa tăng độ tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đặc biệt là đối tượng có bằng cấp vẫn ngày càng nhiều. Đây là hệ quả của một thời gian dài cách đào tạo, định hướng truyền thông, tư tưởng không muốn học làm thợ mà chỉ muốn học làm thày... Giới trẻ hãy xông pha đi làm tất cả công việc mà xã hội đang cần.

Cảm ơn ông!

Ủy viên Thường trực ủy ban các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng:

Tăng tuổi hưu nhưng lãnh đạo phải thôi chức vụ quản lý

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo ra tình trạng “tham quyền cố vị”, thành rào cản ngăn bước tiến và cơ hội của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ vậy, bởi đã tăng tuổi hưu thì phải đi kèm với quy định những người làm lãnh đạo không giữ chức vụ nữa, mà tăng tuổi hưu khi ấy là nhằm tận dụng năng lực làm việc. Vì thế, cùng với quy định này, chúng ta cũng nên có quy định về công tác cán bộ, trong đó quy định cụ thể là bao nhiêu tuổi, giữ vị trí lãnh đạo trong bao nhiêu nhiệm kỳ không được làm lãnh đạo nữa.

Hoài Thu (Ghi)

Theo Tuyết Trịnh

Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên