Vì sao siêu kỳ lân Gojek từ bỏ thương hiệu GoViet?
Sau gần 2 năm Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam với thương hiệu GoViet, doanh nghiệp đang bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Sức ép cạnh tranh khiến tập đoàn này đưa ra quyết định thay đổi mình.
- 06-07-2020Thị trường gọi xe qua app “đỏ lửa”, cửa nào cho GoJek Việt Nam?
- 05-07-2020Soi profile ‘khủng’ của tân CEO Gojek Việt Nam: Nhân viên cũ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, từng góp sức xây dựng Adayroi, Cộng Cà Phê trước khi dấn thân vào mảng gọi xe
- 03-07-2020GoViet sẽ trở thành Gojek Việt Nam và bổ nhiệm tân CEO
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Startup giá trị nhất Indonesia là Gojek vừa tuyên bố họ sẽ hợp nhất tên thương hiệu ở 2 thị trường Việt Nam và Thái Lan, trở thành 1 nền tảng công nghệ duy nhất. Đây được cho là nỗ lực của Gojek nhằm tìm cách củng cố hoạt động và hình ảnh bên ngoài thị trường quê nhà.
Bước đi này tới khi Gojek đang trong cuộc chiến khốc liệt với Grab – đơn vị đang hoạt động rộng khắp trong khu vực và dưới cùng 1 thương hiệu, nền tảng. Theo đó, GoViet của Việt Nam và Get của Thái Lan sẽ có cùng tên và nền tảng ứng dụng như công ty mẹ.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ phục vụ tốt hơn các thị trường và mang lại những doanh nghiệp lớn hơn ở mỗi nước bằng việc hợp nhất công nghệ và thương hiệu. Điều này đã được tiến hành trong nhiều tháng. Chúng tôi bắt đầu chiến lược để nâng cấp, đạt quy mô hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn khách hàng ở những thị trường này kể từ giữa năm ngoái", Adrew Lee - Chủ tịch toàn cầu của Gojek nói.
Cả chi nhánh Việt Nam của Gojek ra đời vào năm 2018 và chi nhánh Thái Lan ra đời năm 2019 đều mang tên thương hiệu khác lần lượt là GoViet và Get – sử dụng những ứng dụng khác nhau.
Tuy nhiên sau gần 2 năm Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam với thương hiệu GoViet, doanh nghiệp đang bị các đối thủ bỏ lại phía sau. Theo những báo cáo độc lập của ABI Research, ở mảng gọi xe giao hàng, GoViet có tỷ lệ trọng số cuốc xe hoàn thành xếp thứ 3 sau Grab và Be. Trong khi ở mảng giao đồ ăn, dịch vụ Go-Food cũng đứng thứ 3 sau Grab Food và Now về mức độ hài lòng và mức độ sử dụng thường xuyên.
Nguồn: VTV
Nguồn: VTV
Nguồn: VTV.
Tuy vậy Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam cho rằng họ vẫn tăng trưởng tốt khi cán mốc 200 triệu đơn hàng tại Việt Nam, gấp đôi so với 6 tháng trước đó. Tuy vậy vị này cũng cho rằng cái khó của thị trường Việt Nam là mức độ cạnh tranh rất cao là phần nào dẫn đến quyết định khai tử thương hiệu cũ.
"Mong muốn của chúng tôi là trở thành một siêu ứng dụng. Chúng tôi đang cạnh tranh với các đối thủ ở từng ngành một, trong ngành gọi xe chúng tôi sẽ có vài đối thủ, trong ngành giao đồ ăn chúng tôi sẽ có một vài đối thủ, có cả đối thủ trong lĩnh vực siêu ứng dụng. Đặt sức ép đấy để chúng tôi đưa ra quyết định thay đổi mình.", ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV mới đây.
Cuộc cạnh tranh đốt tiền giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ trong những năm qua đã khiến cho thị trường Việt Nam trở thành miếng bánh không dễ xơi với Gojek. Đối thủ chính ở khu vực của họ là Grab đã đầu tư vào Việt Nam đến 100 triệu USD từ năm 2014 trước khi năm ngoái tuyên bố sẽ đổ gấp 5 lần lượng tiền như thế vào Việt Nam. Đó là chưa kể mảng giao đồ ăn có Now, Baemin đều chống lưng bởi các tập đoàn giàu tiềm lực từ Singapore và Châu Âu khiến cuộc cạnh tranh đốt tiền được dự báo vẫn đang tiếp diễn.
"Điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt chính là việc giảm giá trực tiếp trên sản phẩm và sẽ có giảm giá trên phí mua hàng. Menu thực đơn được đưa ra trên các ứng dụng về chất lượng không thua kém gì nhau, gần như không có khác biệt.", ông Tuấn Phạm, giám đốc nghiên cứu thị trường Asia Plus phân tích với VTV.
Đại diện iPrice, chuyên theo dõi thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á cho rằng nguyên nhân khiến thành quả Gojek còn khiêm tốn tại Việt Nam là do công ty mẹ còn chưa thực sự tập trung cho các thị trường ngoài Indonesia. Tuy nhiên việc hợp nhất thương hiệu vừa qua có thể mở ra một tương lai rất khác.
"Điều này cho thấy sự quyết tâm cao hơn ở những nước bên ngoài Indonesia, được đầu tư nghiêm túc hơn. Đặc biệt là ban lãnh đạo của Gojek đã đặt mục tiêu cụ thể lần đầu tiên là trong vòng 4-5 năm tới 50% lượng người dùng sẽ đến từ các nước đến từ ngoài Indonesia", ông Đặng Đăng Trường, trưởng ban truyền thông iPrice Việt Nam cho biết.
Việt Nam được xem là thị trường nước ngoài trọng điểm của Gojek. Trong 5 quốc gia Đông Nam Á Gojek đang kinh doanh, Việt Nam là nước đông dân thứ hai, đồng thời có nhiều nét tương đồng với Indonesia nên trở thành thị trường trọng điểm của Gojek ở nước ngoài.
Chia sẻ với ICTnews, ông Phùng Tuấn Đức cũng cho biết Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung như dân số đông, lực lượng tài xế xe máy đông đảo, nhu cầu di chuyển và ăn uống cao.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam cao hàng đầu khu vực, thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu chi tiêu cá nhân tăng, biến Việt Nam thành thị trường tiềm năng cho các dịch vụ mới như Gojek đang triển khai.
"Với những lý do đó, Việt Nam là thị trường chủ chốt chiến lược trong kế hoạch phát triển lâu dài và mở rộng thị trường của Gojek", ông Đức nêu rõ.
Giới quan sát cho rằng hậu hợp nhất thương hiệu Gojek sẽ khai thác nhiều thị trường còn màu mỡ tại Việt Nam như thanh toán điện tử và tài chính đặc biệt khi kỳ lân công nghệ này vừa gọi được vòng vốn tỷ đô la Mỹ từ Facebook, Google, Tencent và Paypal để làm việc này. Thay vì cuốn theo cuộc đua đốt tiền ở các mảng cũ như gọi xe công nghệ hay giao đồ ăn.
Gojek là công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên của Indonesia, mới đây nhận được đầu tư của Google, Facebook, Paypal, Tencent và trước đó là một số công ty công nghệ lớn khác, để nâng giá trị lên hơn 10 tỷ USD. Công ty bắt đầu bằng dịch vụ gọi xe, sau đó mở rộng các hoạt động khác nhằm trở thành một siêu ứng dụng.
Vào năm 2018, Gojek chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để tiến ra khu vực, lấy tên thương hiệu GoViet. GoViet do một đội ngũ người Việt lãnh đạo, tự phát triển app riêng và tự quyết định việc phát triển sản phẩm và mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam. Sau đó, công ty thành lập ứng dụng Get để kinh doanh tại Thái Lan. Riêng tại Singapore, Gojek vẫn lấy tên nguyên bản như tại Indonesia.
Nhịp sống kinh tế