MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao thâm hụt thương mại Mỹ tăng 100 tỷ USD trong 2018?

06-03-2019 - 21:00 PM | Tài chính quốc tế

Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với phần còn lại của thế giới có thể đã vượt mức 600 tỷ USD trong 2018...

Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với phần còn lại của thế giới có thể đã vượt mức 600 tỷ USD trong 2018, tăng hơn 100 tỷ USD so với năm trước đó thay vì giảm xuống như mong muốn của Tổng thống Donald Trump.

Thương mại Mỹ ngày càng thâm hụt

Theo hãng tin Bloomberg, nói một cách khác, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng thêm 20% so với năm 2016 - năm trước khi ông Trump lên cầm quyền.

Từ khi còn tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn chỉ trích mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ và cố gắng tìm biện pháp để giảm thâm hụt này xuống.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại không nhấn mạnh nhiều vào thâm hụt thương mại, bởi trong nhiều trường hợp, chỉ số này nghịch đảo với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ - nghĩa là thâm hụt thương mại giảm chưa chắc đồng nghĩa với một nền kinh tế tốt.

Thâm hụt thương mại Mỹ giảm mạnh chưa từng thấy vào năm 2009, với mức giảm hơn 300 tỷ USD trong vòng 1 năm, và đó là kết quả của suy thoái kinh tế gây sụt giảm nhu cầu của nước Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu. Cũng vì lý do này mà thâm hụt thương mại và hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với phần còn lại của thế giới giảm hơn 200 tỷ USD trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama.

"Đây là lý do vì sao mà các chuyên gia kinh tế nói rằng Tổng thống Mỹ thực sự không cần giảm thâm hụt thương mại để ghi điểm", ông Phil Levy, một cựu chuyên gia cấp cao về thương mại thuộc Hội đồng Cố vấn kinh tế Quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét. "Không phải ngẫu nhiên, kinh tế phát triển khi chúng ta tiêu thụ nhiều hàng nhập khẩu hơn".

Ngoài ra, thâm hụt thương mại thực ra không có liên quan nhiều đến chính sách thương mại, mà thay vào đó liên quan nhiều hơn đến các chính sách kinh tế vĩ mô, theo Bloomberg.

Điều gì khiến thâm hụt tăng?

Nguyên nhân dài hạn chủ chốt phía sau thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ từ 1975 đến nay là tỷ lệ tiết kiệm thấp của Mỹ so với thế giới và sức hấp dẫn của nước Mỹ với tư cách một điểm đến để đầu tư - một phần xuất phát từ vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Vai trò này của USD khiến đồng bạc xanh có xu hướng mạnh lên so với các đồng tiền khác, dẫn tới giảm chi phí hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và tăng giá của hàng hóa Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài, khiến thâm hụt thương mại Mỹ tăng.

Thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2018, thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với thế giới tăng 52 tỷ USD, tương đương tăng 10%, so với cùng kỳ 2017. Nếu xu hướng này tiếp diễn trong tháng 12, thì cả năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ là 610 tỷ USD, so với mức 502 tỷ USD trong 2017.

Thống kê chính thức về mức thâm hụt sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 6/3.

Một phần nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại Mỹ tăng dưới thời ông Trump là chính sách nới lỏng tài khóa thông qua chương trình giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh lên nhờ chính sách này khiến đồng USD tăng giá, làm tăng nhập khẩu và giảm xuất khẩu.

Những người ủng hộ ông Trump lập luận rằng ông đang giải quyết vấn đề này bằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và các đối tác khác. Họ cũng nói việc Mỹ ký một Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) được điều chỉnh sẽ giup Mỹ giảm thâm hụt thương mại trong dài hạn.

Tuy nhiên, chính sách thương mại của ông Trump được cho cũng là nguyên nhân làm gia tăng thâm hụt thương mại Mỹ trong 2018. Thuế quan mà ông dọa áp và sau đó là áp thật lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy nhanh việc nhận hàng từ đối tác Trung Quốc trước khi việc áp thuế được triển khai. Bên cạnh đó, thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng Mỹ để trả đũa đã khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu tương, sụt mạnh.

Chưa kể, chính sách thương mại cứng rắn của ông Trump đã gây lo ngại ở Trung Quốc và các nước châu Âu, khiến các nền kinh tế này giảm tốc, kéo theo nhu cầu đối với hàng hóa Mỹ.

Về phần mình, ông Trump và những người ủng hộ ông đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho rằng việc FED nâng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên. Ông Trump đã không ít lần phàn nàn rằng đồng USD mạnh đã làm suy yếu vị thế của ông trong chiến tranh thương mại và cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên