Vì sao thị trường vàng ‘yếu’ khi sắp Tết?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết, thị trường vàng trong nước hiện nay kém sôi động với những chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước. Áp Tết, thị trường giao dịch yếu.
- 15-01-2023Pháo hoa của Nhà máy Z121 loạn giá, Bộ Công Thương nói gì?
- 14-01-2023Mua pháo hoa đúng giá niêm yết tại đâu?
- 14-01-2023Việt Nam lọt top 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới
Ông Long cho rằng, trước đây, thị trường vàng trong nước sôi động nhờ có nhiều thành phần tham gia, nhiều nhà đầu tư và người kinh doanh. Sau này, vàng không còn như xưa, nhà đầu tư chuyển sang thị trường cổ phiếu, bất động sản; ngân hàng thương mại cũng không còn cho vay tiền để kinh doanh vàng, đầu tư vàng nên quy mô thị trường nhỏ và thu hẹp lại nhiều. Phải nhìn nhận là biến động của giá vàng SJC hiện tại không ảnh hưởng lớn đến thị trường, kinh tế vĩ mô.
Thị trường vàng trong nước ảm đạm.
“Ngân hàng Nhà nước nên cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, vì đây là mục tiêu lâu dài nhắm tới của thị trường. Hiện các doanh nghiệp không có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất vàng nữ trang mà chủ yếu mua trôi nổi từ thị trường, do đó giá vàng không ổn định”, ông Long nói.
Ông Long cho biết, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhiều lần kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Hiện giá vàng nữ trang đang cao hơn giá thế giới trên 4 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng miếng, ông Long kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở hơn về quy định. Hiện nay, vàng miếng SJC không được sản xuất thêm và mỗi lần mở máy dập, gia công vàng SJC cũng phải xin phép. Nên thoáng hơn trong quy định này, về lâu dài nên cho thêm một vài thương hiệu vàng miếng khác, thay vì độc quyền như hiện tại.
Về việc dự báo giá vàng năm 2023, ông Long cho biết rất khó dự đoán vì ngoài việc ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn chi phối bởi nhiều yếu tố khác.
Hiện, giá vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào với giá 66 triệu đồng/lượng, bán ra 66,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn của công ty SJC mua vào còn 53,6 triệu đồng/lượng, bán ra 54,7 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng rút ngắn còn 700.000 - 800.000 đồng/lượng, riêng vàng nhẫn vẫn giữ mức 1,1 triệu đồng/lượng.
So với giá quốc tế, vàng miếng SJC cao hơn 13,2 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn cao hơn 1,1 triệu đồng. Nhu cầu mua vàng trên thị trường hiện vẫn khá thấp.
Tiền Phong