MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công?

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của chi phí giá vật tư, nhiên liệu tăng vọt nhưng công tác đầu tư xây dựng các công trình từ vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh Tiền Giang luôn đạt kết quả cao.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương này những năm gần đây dẫn đầu trong khu vực và nhóm hạng cao so với cả nước.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang được giao tổng vốn đầu tư công là 506 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đã giải ngân được 167 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch năm. Hiện nay, Ban đang tiếp tục triển khai xây dựng 7 dự án trọng điểm gồm các cống ngăn mặn ven sông Tiền, các bờ kè chống sạt lở ven sông, ven biển.

Hầu hết các công trình, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư đều triển khai, thực hiện vượt so với kế hoạch đề ra. Năm ngoái, đơn vị được giao vốn hơn 586 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% sớm hơn kế hoạch.

Vì sao Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 1.

Cầu Cái Thia tại huyện Cái Bè- một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Tiền Giang vừa đưa vào sử dụng.

Về kinh nghiệm làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Trước hết phải xây dựng kế hoạch từ đầu năm để bố trí nguồn vốn cho hợp lý. Thứ hai là phải đảm bảo vấn đề tài chính cho nhà thầu, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch của mình. Giải phóng mặt bằng thì nói chung bên lĩnh vực nông nghiệp không có vướng nhiều, chỉ có một số công trình có vướng nhỏ thì mình kết hợp với địa phương giải quyết xong hết”.

Năm nay, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.954 tỷ đồng vốn đầu tư công, địa phương giao thêm 360 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Tiền Giang phải thực hiện giải ngân trong năm 2023 là trên 5.314 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2023, tỉnh Tiền Giang giải ngân được 1.653 tỷ đồng, đạt 31,1% tổng kế hoạch vốn được giao và đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với tiến độ này, hiện Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.

Đạt được thành quả đó, là có sự quyết tâm chính trị rất cao trong công tác lãnh đạo, điều hành từ UBND tỉnh, các sở ngành chức năng cấp tỉnh đến chính quyền các địa phương đã xác định đầu tư công là động lực để phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài.

Vì sao Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 2.

Lễ khởi công cầu Vàm Giồng (tại huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) mở đầu dự án đường tỉnh 864 với tổng vốn đầu tư trên 3000 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm, như: dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền; dự án 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền, dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC); dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền trên cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và đang chuẩn bị khởi công nhiều dự án khác…

Ngoài ra, Tiền Giang cũng đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào sử dụng các công trình đã đầu tư trước đó như: cầu Vàm Cái Thia, cầu bắc qua sông Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè), bệnh viên 1.000 giường (TP. Mỹ Tho).. tạo bước ngoặc lớn về phát triển hạ tầng giao thông, y tế.

Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, nhà thầu ngay từ cuối năm trước; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, công trình đã khởi công. Đối với các nhà thầu khi ký hợp đồng với chủ đầu tư thì triển khai thực hiện ngay, khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công. Minh chứng như việc triển khai xây dựng cầu Vàm Cái Thia tại huyện Cái Bè giai đoạn đầu gặp nhiều trở ngại do nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng còn so bì mức giá bồi thường hỗ trợ.

Chính quyền, đoàn thể địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng biện pháp bảo vệ thi công. Phía nhà thầu cũng khắc phục khó khăn khi giá  vật tư, nhân công tăng vọt, huy động tối đa nhân lực, vật lực vào công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra khoảng 2 tháng.

Vì sao Tiền Giang dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công? - Ảnh 3.

Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp có uy tín, năng lực phục vụ các công trình, dự án trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công Ty TNHH Thương Mại Xây Dựng Thiên Thuận- một trong 2 liên danh nhà thầu thi công cầu Vàm Cái Thia cho biết: “Giải pháp là mình phải tập trung phương tiện, vật tư, nhiều đội, nhiều mũi thi công có khi phải làm ban đêm. Ngay sau khi khởi công có gặp một số vướng mắc khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các cấp các ngành ở huyện Cái Bè, nhân dân 3 xã vùng dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công để hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong thời gian gần đây, lĩnh vực xây dựng nói chung và các công trình, dự án từ vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giá vật liệu xây dựng tăng cao như: thép, xi măng, gạch ống, đặc biệt nguồn cát san lấp mặt bằng, cát xây dựng có thời điểm khan hiếm, sốt giá. Một số nhà thầu dù bị thua lỗ nhưng vẫn quyết tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công để giữ vững thương hiệu uy tín của mình và lời cam kết với chủ đầu tư.

Một lợi thế nữa là trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có đội ngũ nhà thầu là các doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động, có năng lực, uy tín thực hiện ở các lĩnh vực xây dựng thủy lợi, dân dụng, cầu đường như các công ty TiCCO,  Tân Hoàng Thiện, Thiên Thuận, Phước Hùng, Hiệp Tâm, Minh Thái... Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án được chính quyền, đoàn thể địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân đồng thuận, kịp thời giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân vùng dự án thỏa đáng.

Công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để thực hiện các công trình, dự án được chủ đầu tư ở các cấp thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định của pháp luật. Chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư công.

Trong việc sử dụng vốn đầu tư công,  tỉnh Tiền Giang dựa trên tình hình thực tế phát sinh, sẽ điều chuyển vốn giữa các công trình có giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân thấp sang các công trình có giá trị khối lượng thực hiện cao trong từng nguồn vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Trong công tác phân bổ vốn ưu tiên cho các công trình, dự án mang tính cấp thiết phục vụ cho việc phát triển KT-XH. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đối với vốn đầu tư công hàng năm luôn ưu tiên cho lĩnh vực giao thông trên 40% tổng vốn. Cụ thể từ năm 2021-2025, tỉnh phân bổ vốn cho lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông trên 9.878 tỷ đồng.

Riêng năm nay, phân bổ cho lĩnh vực này là 1.757 tỷ đồng. Cũng theo ông Vĩnh, kết quả đầu tư công của tỉnh đạt cao còn nhờ sự kế thừa của các chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trước đây về việc ban hành các chủ trương, nghị quyết về quy hoạch, bố trí vốn...

“Kết quả này chúng tôi cho rằng, nhờ có sự chỉ đạo với những chủ trương đúng đắn của các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ trước, sự cố gắng của các ngành, các cấp, sự đóng góp của nhân dân. Trong thời gian tới, các dự án trọng tâm của tỉnh như: đường tỉnh 864, đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định, các cống ngăn mặn đều được đẩy nhanh cả về công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công. UBND tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương” - ông Nguyễn Văn Vĩnh nói.

Năm ngoái, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân vốn đầu tư công trên 3.940 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch vốn phân bổ. Tiền Giang được xếp nằm trong Top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.

Phát huy thành quả đó, hiện nay các cấp ngành và nhân dân ở tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực triển khai các công trình, dự án đầu tư xây dựng từ vốn đầu tư công trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và đúng quy định, đây là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Theo Nhật Trường

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên