MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Tổng Giám đốc Euro Auto bị bắt giữ?

Chiều 26/4, 3 lãnh đạo của công ty Euro Auto, trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng Giám đốc công ty đã bị khởi tố và bắt giữ, do những sai phạm liên quan đến lô hàng BMW nhập khẩu.

Vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2016. Cụ thể, ngày 30/11, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của CTCP ô tô Âu Châu Euro Auro.

Lý do Bộ Tài chính đưa ra là bởi công ty này đã có một loạt vi phạm như tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

Công ty này đã không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng.

Đặc biệt, Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW nói trên.

Liên quan đến vụ việc, cũng trong tháng 12/2016, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ chức vụ 15 ngày đối với ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm cá nhân ông Đông, cùng 1 số cán bộ Cục Kiểm tra sau thông quan vì để xảy ra sai phạm nói trên.

Đến ngày 20/12, căn căn cứ vào những kết quả, chứng cứ điều tra, Tổng cục Hải Quan và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất ra quyết định số 18/QĐ- ĐTCBL khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty cổ phần ô tô Âu Châu Euro Auto.

Đồng thời, căn cứ Điều 100, Điều 104 và Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, ngày 26/12/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra Quyết định số 03/QĐ- ĐTCBL chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Cảnh sát Điều tra (C46) – Bộ Công an để xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 26/12, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển toàn bộ hồ sợ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để tiếp tục thụ lý, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, ngày 30/12, phía Euro Auto đã phát đi thông cáo, trong đó tỏ thái độ “bất ngờ” vì bị cáo buộc buôn lậu. Đối với vấn đề không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), Euro Auto giải thích là bởi trước đây phía Hải quan đã không yêu cầu.

Tuy nhiên, ngay khi có quy định mới, Tập đoàn BMW đã cung cấp giấy C/O, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc khi nhập về.

Euro Auto cam kết tất cả các xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng từ cơ quan đăng kiểm bao gồm cả xe nhập khẩu thông qua Euro Auto đều đã thỏa mãn tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hiện hành của Việt Nam. Những trường hợp không thỏa mãn yêu cầu chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tái xuất, không bán ra thị trường.

Euro Auto cho rằng: "Trên thực tế, hoàn toàn có thể kiểm tra được điều này. Trước đó, phòng chất lượng xe cơ giới Cục đăng kiểm cũng đã thông tin rằng, thông qua kiểm tra trực tiếp, căn cứ vào số VIN trên mỗi xe. Cơ quan đăng kiểm hoàn toàn có thể biết được nguồn gốc xuất xứ xe, nhà máy sản xuất, tất cả thông số kỹ thuật, trang bị của xe nhập khẩu".

Do đó, Euro Auto tái khẳng định không lừa dối khách hàng. Tất cả xe BMW được nhập về hoàn toàn đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, ngày 11-12/1/2017, khi sang Việt Nam hỗ trợ giải quyết vụ việc, đại diện Tập đoàn BMW đã khẳng định với Bộ Tài chính rằng một số chứng cứ Euro Auto sử dụng làm thủ tục Hải quan không phải do Tập đoàn BMW AG phát hành.

Phía Bộ Tài chính cho biết thêm: Đại diện tập đoàn BMW đã xác nhận Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm đúng, không phân biệt đối xử, không cản trở và tạo điều kiện cho Tập đoàn BMW AG kinh doanh tại Việt Nam đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quan Việt Nam để giải quyết vụ việc.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên