Vì sao trong các vụ cháy, ngạt khói là nguyên nhân chủ yếu gây chết người?
Các nạn nhân tử vong trong vụ cháy xảy ra tại chung cư cao cấp Carina Plaza, phường 16, quận 8, TP.HCM đều do ngạt khói chứ không phải do bỏng.
- 23-03-2018Những công nghệ chữa cháy hiện đại nhất thế giới dành cho các tòa chung cư cao tầng
- 23-03-2018Cháy chung cư: Phải "khắc cốt ghi tâm" những kỹ năng thoát hiểm này bạn mới có thể kịp ứng phó khi tình huống cấp bách xảy ra
Cái chết êm như giấc ngủ
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, có 10 em bé được đưa vào viện cấp cứu sau vụ cháy. Trong đó một bé 3 tuổi và một bé 10 tuổi bị suy hô hấp được Bệnh viện Quận 6 chuyển đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng nguy kịch. 8 bệnh nhi còn lại đang được theo dõi và bé nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi.
Tất cả các bé đều bị ngạt khói, hít khói dẫn đến ngộ độc khí . Các nạn nhân khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều bị bỏng hô hấp.
Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề khói nguy hiểm như thế nào? Theo PGS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, trường Đại học Tự nhiên Hà Nội, hầu hết những người chết trong đám cháy là do hít khói chứ không phải bị bỏng. Khói dễ dàng phát tán, dẫn đến mất phương hướng, khó nhìn nên nạn nhân càng khó thoát ra ngoài.
PGS Trần Hồng Côn
Các vật liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến ngày nay làm khói thêm độc vì giải phóng các chất nguy hiểm. Thêm vào đó, tổn thương ở phổi và đường hô hấp do hít phải khí độc đôi khi chỉ xuất hiện sau 24-36 giờ tiếp xúc khiến nạn nhân chủ quan, không kịp xử lý. Những loại khí độc sinh ra từ đám cháy vô cùng nguy hiểm.
Các nạn nhân đều tử vong do ngạt khí CO. CO là khí không mùi, không màu, cướp mất oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng không có oxy, làm nạn nhân ngạt thở, hôn mê và tử vong.
Đặc biệt nguy hiểm nhất đó là các loại khí này không gây đau đớn, khiến nạn nhân tử vong nhanh nhưng êm dịu như một giấc ngủ sâu. Do đó, có những trường hợp khi ngủ, bên ngoài xảy ra cháy họ không biết và tử vong do ngạt CO trước khi bị ngọn lửa thiêu.
Khí CO nguy hiểm thế nào?
Theo TS Hoàng Bùi Hải – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Khi bị ngộ độc CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu. Tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch, từ đó dẫn đến tử vong.
Cháy chung cư cao cấp ở Sài Gòn vào giữa đêm, ít nhất 13 người thiệt mạng.
Không chỉ khói, còn một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp.
Khi vào cơ thế, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Để tránh bị ngạt khói, trong khi di chuyển mọi người nên cố gắng bò hay trườn, sao cho mặt sát sàn vì khói thường lơ lửng bên trên. Nạn nhân trong hỏa hoạn cần cố gắng tiếp cận với nước, lấy khăn ẩm bịt mũi, mồm, quấn vào người để thoát qua đám khói.
Nếu thoát vào được một phòng kín, không bị cháy đe dọa nhưng có khói thì nên lấy khăn, vải thấm nước để bịt tất cả các khe hở lại để chắn khói.
Lý giải việc sử dụng triệt để khăn ướt trong cháy và chống ngạt khói, bác sĩ Hải cho biết, vì khăn ẩm có nước, khi khói gặp khăn ẩm khói sẽ bị chặn lại vì CO không tan trong nước. Chính vì thế ở mọi tình huống nạn nhân cố gắng tiếp cận nước.
Còn theo GS TS Lê Năm - nguyên Viện trưởng Viện Bỏng quốc gia, hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong sinh hoạt từ nhà riêng, chung cư tới công sở.
Tuy nhiên, GS Năm cho biết người dân vẫn còn thờ ơ với cháy. Khi có cháy xảy ra họ mới hoảng loạn chạy tán loạn tìm đường và không biết cách tránh luồng khói dày đặc từ đám cháy. Nhất là nhiều người cứ chạy ra cửa chính bất kể đó là tâm điểm của đám cháy.
Khi có cháy cửa chính không phải là nơi "chạy trốn" an toàn, người bị nạn nên tìm cách phá vỡ cửa sổ, hành lang thâm chí phá vách ngăn để thoát ra ngoài.
Việc hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn nguy hiểm hơn bỏng do lửa. GS Năm khuyến cáo, khi có cháy cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Để không hít phải khói, bạn có thể dùng miếng vải, mền, bất cứ thứ gì có thể, làm ướt nó và đặt trên mũi và miệng để hạn chế khói hít vào.
Trí thức trẻ