Vì sao vợ ông Triệu Tài Vinh chỉ bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm?
Theo bà Oanh, dù biết con mình nằm trong diện được nâng điểm trái quy định nhưng vợ ông Triệu Tài Vinh lại chưa chủ động báo cáo với tổ chức Đảng nơi mình đang công tác.
- 03-10-2019Những phát ngôn 'dậy sóng' của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh
- 02-10-2019Vợ ông Triệu Tài Vinh bị yêu cầu kiểm điểm vì 'em chồng tác động nâng điểm cho con'
- 25-09-2019Ông Triệu Tài Vinh: 'Tôi phải đối mặt với thực tế và vượt qua'
Phó Chủ nhiệm UBKT Hà Giang khẳng định không có "vùng rón rén"
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thông báo về kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Trong đó, có ý kiến cho rằng, cách xử lý mà UBKT Tỉnh ủy Hà Giang đưa ra lại “có vùng rón rén, vòng vèo”, đặc biệt ở số cán bộ, đảng viên chủ chốt chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm như trường hợp vợ, em gái ông Triệu Tài Vinh , nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Trao đổi với PV vào sáng 4/10, bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh và thực hiện của cơ quan kiểm tra trong việc xử lý trên là không có vùng cấm.
"Việc cho rằng, cách xử lý mà Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đưa ra lại “có vùng rón rén" thì chúng tôi không đồng tình và khẳng định không có "vùng rón rén" hay che đậy, bởi kết quả kiểm tra, xem xét, xử lý đã công khai.
Có thể ai đó nhìn vào danh sách cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật thấy rằng, vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy không bị xử lý mà mới chỉ yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm nên cho rằng, chúng tôi đang rón rén nhưng không phải như vậy.
Quan điểm là thẩm tra, xác minh được đến đâu, phát hiện lỗi vi phạm của cán bộ, đảng viên như thế nào sẽ xem xét xử lý hết theo đúng quy định Đảng, tinh thần công tác kiểm tra Đảng.
Chúng tôi khẳng định, việc xử lý không có vùng cấm và không có khó khăn hay người này phải xử lý thế này, người kia thế kia...", bà Oanh nói.
Biểu đồ thể hiện khoảng cách giữa điểm thi đã công bố và điểm chấm thẩm định trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thông tin, kết quả được thông báo vừa qua mới là giai đoạn 1 còn đơn vị đang chờ kết quả xét xử của phiên tòa sơ thẩm tới đây để có căn cứ tiếp tục xem xét, xử lý các cán bộ, đảng viên nếu có vi phạm.
"Với các trường hợp cán bộ, đảng viên bị khiển trách hay yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng nếu tới đây, kết quả phiên tòa xét xử có các tình tiết mới làm thay đổi bản chất sự việc thì chúng tôi vẫn có thể lật lại để xem xét, xử lý cho đúng.
Còn đối với các ý của dư luận dù có là trái chiều, đúng hay không đúng chúng tôi vẫn sẽ ghi nhận và xem xét", bà Oanh nêu rõ.
Vợ ông Triệu Tài Vinh không báo cáo tổ chức việc con gái được nâng điểm
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, trong kết luận của Ủy ban đã nêu rõ, đích danh những người tác động, xin nâng điểm cho con, cháu.
Trong đó, với trường hợp của con gái ông Triệu Tài Vinh, trong bản danh sách đã nêu rõ, người xin nâng điểm là bà Triệu Thị Giang (em gái ruột của ông Vinh).
Bà Oanh nhắc lại việc, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có đủ căn cứ để xác định, bà Giang đã có những tin nhắn trao đổi đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở GD-ĐT), nâng điểm cho con ông Vinh.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã căn cứ mức độ, hành vi vi phạm và xử lý kỷ luật bằng hình thức "Khiển trách" về mặt Đảng đối với bà Giang vì vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Đối với trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PT tỉnh Hà Giang (vợ ông Triệu Tài Vinh), theo bà Oanh, vợ chồng ông Vinh, bà Hà không biết việc bà Giang nhắn tin trao đổi, tác động với ông Hoài để nâng điểm cho con gái mình.
"Khi sự việc được phát hiện vợ chồng ông Vinh, bà Hà không biết tại sao con mình được nâng điểm.
Tới khi khởi tố vụ án hình sự, khi bị can Nguyễn Thanh Hoài khai ra, vợ chồng ông Vinh, bà Hà mới biết con mình được nâng điểm như thế nào.
Thời gian tới, khi phiên tòa sơ thẩm được mở lại, tôi nghĩ rằng, vấn đề này có thể sẽ được thẩm vấn, nêu ra và lúc đó, mọi việc sẽ rõ ràng", bà Oanh nói.
Về việc vì sao, bà Hà không biết con mình được nâng điểm nhưng vẫn bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang giải thích:
"Chúng tôi xác định, ai làm thì người đó chịu và ai trực tiếp tác động để nâng điểm phải chịu. Trong trường hợp này, quá trình thẩm tra, xác minh cho thấy bà Phạm Thị Hà cũng như chồng không phải là người trực tiếp nhờ cũng không biết việc tác động để nâng điểm cho con.
Tuy nhiên, sau khi sự việc bị phát hiện, bà Hà dù biết con mình nằm trong diện được nâng điểm trái quy định của pháp luật nhưng lại chưa chủ động báo cáo việc này đối với tổ chức Đảng nơi mình đang công tác.
Theo điều lệ Đảng quy định đảng viên phải tự phê bình, trung thực, tuy nhiên, bà Hà chưa thực hiện đúng việc này.
Việc làm của bà Hà đã làm ảnh hưởng đến uy tín của chồng, của mình và tổ chức Đảng nơi minh công tác, do đó, chúng tôi đã yêu cầu phải kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm tại chi bộ cũng như Đảng bộ Sở", bà Oanh nêu rõ và cho rằng, với trường hợp bà Hà, đây chỉ là hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm chưa phải kỷ luật Đảng.
Đối với trường hợp ông Triệu Tài Vinh, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng nên thẩm quyền không thuộc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hay Tỉnh ủy Hà Giang xem xét và do đã chuyển công tác về Phó Ban Kinh tế Trung ương nên thẩm quyền thẩm tra, xác minh, xử lý thuộc về Trung ương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng cho rằng, có một vấn đề dư luận cần hiểu rõ, tất cả các thí sinh trong danh sách nâng điểm trái phép trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh này đều không được sử dụng điểm chấm sai để đăng ký vào các trường Đại học.
"Ở Hà Giang dù có việc nâng điểm trái phép nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã kịp thời lên chấm lại, trả lại điểm thực nên hoàn toàn các thí sinh không ai được sử dụng điểm sai này để đăng ký vào các trường đại học. Đó là điểm khác so với các địa phương", bà Oanh nói.
Trí thức trẻ