MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân sự ngân hàng: Cạnh tranh khốc liệt

21-05-2013 - 11:22 AM |

Chỉ khoảng 70% nhân viên ngân hàng đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khối ngân hàng đang diễn ra làn sóng điều chuyển, cắt giảm nhân sự. Tại nhiều ngân hàng, một nhân viên kiêm luôn hai vị trí: tín dụng, đòi nợ…

Thay đổi nhân sự cao cấp

Áp lực về nợ xấu, kết quả kinh doanh cùng với quá trình tái cấu trúc ngân hàng khiến cho nhân sự ngành ngân hàng thay đổi từ cấp thấp đến cấp cao.

Ông Lê Xuân Vũ – nguyên là một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) – chính thức trở thành Phó tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank).

Bà Dương Mai Hoa, từng giữ vai trò Tổng Giám đốc của Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB trong quãng thời gian 5 năm cũng chuyển sang ngân hàng Hàng hải Maritime Bank với vị trí Tổng Giám đốc khối Ngân hàng Doanh nghiệp.

Ông Cao Văn Đức đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc tại ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank) thay ông Nguyễn Duy Hưng – chuyển sang làm Phó Chủ tịch HĐQT; ông Trần Anh – từ vị trí TGĐ Ngân hàng Nam Á lui về sau làm thành viên HĐQT và thế vào đó là ông Trần Ngô Phúc Vũ. 

Nhiều vị trí tư vấn hội đồng quản trị cũng được điều chuyển từ Ngân hàng An Bình sang Ngân hàng Quân đội (MB).

Nhận xét chung về hiện trạng nhân sự của các ngân hàng thương mại, đó là người của ngân hàng này sang làm việc cho ngân hàng khác. Cơn khát nhân sự có kinh nghiệm vẫn đang còn mặc dù giai đoạn này các ngân hàng không nhiều điều kiện để treo lương 5000 USD, 7000 USD/tháng  để "dụ” nữa.

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn vào sóng ngầm nhân sự, một thực tế khác cũng đang diễn ra: các ngân hàng cũng đã mạnh dạn chọn phương án "bỏ” nhân lực chất lượng cao để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh tiền khôn của khó.

Cắt giảm nhân viên

Trong một lần trò chuyện với một tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần, ông này nói: "Quỹ lương dành cho vị trí then chốt tư vấn hội đồng quản trị cũng đang được cân nhắc giảm từ 3 tỷ đồng/năm còn 2 tỷ đồng”. Ngân hàng này vẫn có lãi nhưng không nhiều, trong ngắn hạn chưa thể mở rộng, phát triển nên chọn phương án giảm lương, giảm người.

Bà Đỗ Thị Mùi (khối đào tạo nhân lực Vietinbank) cho biết: nhân sự ngân hàng không thể ào ạt như xưa. Song đây cũng là cơ hội để lựa chọn những vị trí then chốt, nâng cao chất lượng nhân viên ngành ngân hàng.

Cũng vì dư thừa lao động cục bộ nên các ngân hàng mạnh tay cắt giảm nhân sự. Chỉ đơn cử Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong 3 tháng đầu năm 2013  đã cắt giảm 223 người.  Chi phí dùng để chi lương, phụ cấp cho cán bộ nhân viên tại ngân hàng này trong quý I cũng giảm mạnh hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2012. Bình quân, lương và phụ cấp nhân viên ACB trong 3 tháng đầu năm là hơn 9,5 triệu đồng/tháng. So với cùng kỳ, thu nhập nhân viên ACB giảm khoảng 30%.

Ngân hàng MaritimeBank cũng gây xôn xao dư luận con số: giảm 679 nhân sự trong 3 quý 1. Trước đó, trong trọn năm 2012, ngân hàng này ngừng hợp đồng lao động với 1.060 nhân viên.

Và để lấp đầy công việc tại các vị trí đã bị cắt giảm, một số nhân viên được giữ lại buộc phải tăng gấp đôi khối lượng việc phải làm. 

Chẳng hạn, nhiều nhân viên tín dụng tại Techcombank, VIB, Liênvietbank,… kiêm luôn vai trò thu hồi nợ.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc cắt giảm nhân sự không có gì bất ngờ bởi ngân hàng giờ đây đã cắt giảm các chi phí tối đa và muốn giảm nữa thì chỉ còn trông chờ vào việc giảm lương, giảm nhân sự. Trong những tháng còn lại của năm và thậm chí, nếu nền kinh tế chưa hồi phục vững chắc thì xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn tới tận năm 2014.

Lọc chất lượng

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. HCM nói: đây là giai đoạn cần nâng cao chất lượng nhân viên, cán bộ ngành ngân hàng. Ông Dương chỉ ra điểm yếu: "Chúng ta đừng đổ lỗi  tăng trưởng tín dụng khó vì doanh nghiệp không mặn mà vay vốn… Bản thân ngân hàng cũng có lỗi. Doanh nghiệp vẫn khát vốn vay trung và dài hạn trong khi ngân hàng chỉ muốn cho vay ngắn hạn. Nhiều nhân viên ngân hàng đọc tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp không kỹ, không tóm tắt được báo cáo, đã vội kết luận: kế hoạch tài chính của doanh nghiệp không khả quan. 

Từ đó, TS Lê Thẩm Dương cho rằng, trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngân hàng thì việc tái cơ cấu nhân sự, nâng cao năng lực quản trị là điều cốt tử.

Theo Hồ Hương

thuyntt

Đại đoàn kết

Trở lên trên