MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp BIDV muốn nghe gì khi phỏng vấn: "Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?"

26-06-2014 - 08:00 AM |

Đối với sinh viên, các kỹ năng mềm thường rất yếu và hiếm khi được đào tạo. Lời khuyên là hãy tự trang bị, học hỏi những kỹ năng này, đừng trông chờ vào người khác.

Ngày 25/06/2014, tại Trung tâm văn hóa Pháp, buổi tọa đàm “Sàng lọc nhân sự thời khủng hoảng” diễn ra với nội dung chia sẻ của lãnh đạo, chuyên gia nhân sự các ngân hàng thương mại Việt Nam xoay quanh việc quản lý nguồn nhân lực trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Ngành ngân hàng, tài chính luôn được xem là ngành “hot” đối với sinh viên mới ra trường. Không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế quản trị nhân sự ngành này, các sếp ngân hàng còn “bật mí” trả lời câu hỏi hóc búa “Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?” dưới góc độ nhà tuyển dụng.

Theo chia sẻ của tiến sĩ Cấn Văn Lực, phó TGĐ BIDV, với số lượng 29.000 sinh viên ra trường trong khi nhu cầu tuyển dụng là 17.000 thì hiện có 12.000 sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn trong tìm việc. Thực tế hiện nay các sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời và tính chuyên nghiệp khi tham gia phỏng vấn. Chính những tác phong thiếu chuyên nghiệp như đến muộn, quên số báo danh,… là điểm trừ trong mắt các nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó trình độ ngoại ngữ cũng là một điểm yếu của sinh viên mới ra trường. Theo ông Lực, mặc dù trong các kỳ thi tuyển dụng, ngoại ngữ chỉ chiếm 30% trọng số nhưng không ít bạn có năng lực chuyên môn nhưng lại bị loại khỏi “vòng chiến đấu” bởi trình độ ngoại ngữ. 

Mặt hạn chế thứ 3 là hiểu biết xã hội. Nhà tuyển dụng mong muốn tìm được những người có hiểu biết xã hội để có thể làm việc được ngay, nhanh chóng hòa nhập với môi trường công ty. Chính vì vậy, khi được hỏi, các ứng viên nên trả lời để làm nhà tuyển dụng loại bỏ được mối nghi ngại về 3 điểm yếu nói trên.

Lãnh đạo các ngân hàng TMCP chia sẻ tại buổi hội thảo

Giám đốc nhân sự VPBank Nguyễn Bích Huyền cho biết ngay bản thân bà cũng từng nhiều lần nhận được câu hỏi này khi mới ra trường. Dưới áp lực cạnh tranh nên các nhà tuyển dụng thường có xu hướng lựa chọn những ứng viên “có kinh nghiệm”, thái độ tốt,… hoặc ngay trong ngành ngân hàng là việc lôi kéo lãnh đạo, quản lý từ các ngân hàng hàng khác. Như vậy để cạnh tranh được với những ứng viên có kinh nghiệm, câu trả lời tốt nhất là đưa ra các minh chứng cụ thể rằng bạn có khả năng giải quyết vấn đề, khả năng lãnh đạo nhóm, lãnh đạo bản thân, bạn là người có tiềm năng.

Trong khi đó, giám đốc thương mại tập đoàn đa quốc gia Mash& McLennan Vũ My Lan phân tích, khi đưa ra câu hỏi này nhà tuyển dụng có 2 mục đích nhằm tìm kiếm và nhận ra người có tiềm năng vào công ty. Qua câu hỏi, nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có thực sự hiểu về công việc, công ty, có mục tiêu và mong muốn làm việc cho họ hay là chỉ nộp hồ sơ, CV một cách hời hợt. Bên cạnh đó, cách bạn trả lời cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng tự “selling” bản thân của bạn như thế nào.

Theo bà Lan, 2 kỹ năng quan trọng nhất trong công việc cũng như cuộc sống gồm: Giao tiếp (Communication) và Bán hàng (Sales Skill). Trong cuộc phỏng vấn, bạn chính là 1 sản phẩm và hiểu rõ mình nhất, làm sao để bạn vượt lên các ứng viên khác, thuyết phục được nhà tuyển dụng. Kỹ năng bán hàng được bà Lan cho biết rất quan trọng, nó không chỉ là bán sản phẩm, hàng hóa thông thường. Khi bạn thuyết phục khách hàng, đối tác hay sếp của mình thì cũng cần đến kỹ năng này. Thậm chí trong cuộc sống, để thuyết phục được người khác bạn cũng cần đến nó. 

Đối với sinh viên, các kỹ năng mềm này thường rất yếu và hiếm khi được đào tạo. Lời khuyên của CCO này là hãy tự trang bị, học hỏi những kỹ năng này, đừng trông chờ vào người khác.

Ý kiến khác từ ông Vũ Hoàng Linh, phó TGĐ Pvcombank cho rằng thứ mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở câu hỏi này là năng lực thích nghi và tầm nhìn của ứng viên. Những CEO, chuyên gia tuyển dụng cũng từng ở vị trí tương tự, điều đưa họ đến thành công chính là năng lực tồn tại, thích nghi và tầm nhìn của họ cao hơn người khác. Theo ông Linh, mấu chốt để chiến thắng là bạn có tầm nhìn vượt hoặc theo được với người phỏng vấn. Từ đó cuộc phỏng vấn sẽ biến thành cuộc chia sẻ và cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn người khác.


Kim Thủy

thuyntt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên