MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện trưởng Viện Môi trường sốc với số tiền 'cắt cỏ, tỉa cây'

18-08-2016 - 15:42 PM | Bất động sản

“Chỉ 24 km đã chi tới 53 tỷ đồng. Con số này đúng là rất kỳ lạ”, bà Bùi Thị An-đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nói về thông tin Hà Nội chi 53 tỷ đồng "cắt cỏ, tỉa cây" trên đại lộ Thăng Long hàng năm.

Quy trình, định mức duy tu không còn phù hợp

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, việc thực hiện công tác duy tu cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa lâu nay đều thực hiện theo đơn giá, định mức thành phố quy định. Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩn dịch vụ công ích đô thị năm 2015 (được ban hành ngày 30/1/2015) là cơ sở để lập, phê duyệt dự toán, thanh quyết toán các gói thầu, đặt hàng dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn.

Theo đó, riêng việc thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị với lĩnh vực duy trì công viên cây xanh có 431 mã đơn giá. Trong đó, chỉ với việc trồng, xén và duy trì thảm cỏ có tới 32 mục khác nhau như phí duy trì thảm cỏ công viên, máy bơm xăng, mùa mưa, mùa khô, phí xén cỏ mùa khô, mùa mưa, phí trồng cỏ, phun thuốc phòng sâu bệnh, vệ sinh thảm cỏ... Hay chỉ việc xén lề cỏ (chặn cỏ vỉa) cũng đã có tới 4 mục khác nhau.

Trong một báo cáo gửi HĐND do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung ký nêu rõ: Quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp với thực tế, được xây dựng trên một đơn vị sản phẩm đơn lẻ, khối lượng nhỏ dẫn đến hao phí nhân công, máy móc thiết bị lớn. Qua rà soát theo hướng “tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, mã đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40,38% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh".

Về giải pháp chấn chỉnh quản lý, duy tu cây xanh, nêu trong báo cáo gửi HĐND thành phố, ông Chung cho biết, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh quy định quản lý cây xanh đô thị phù hợp với các quy định pháp luật và phân cấp quản lý hạ tầng và kinh tế xã hội. Đồng thời thực hiện phân cấp, phân công, làm rõ trách nhiệm quản lý, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn.

“Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố từ 1/1/2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo lựa chọn được đơn vị có năng lực, kinh nghiệm, chất lượng duy trì tốt với chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật”, báo cáo về giải pháp hạn chế bất cập trong quản lý cây xanh do ông Nguyễn Đức Chung ký nêu rõ.

“Con số không thể tưởng tượng”

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, cũng “giật mình” và thấy kỳ lạ về số tiền "khủng" mà Hà Nội chi hàng năm cho việc cắt cỏ trên Đại lộ Thăng Long.

“Chỉ 24 km đã chi tới 53 tỷ đồng, nghĩa là 1 km mất chi phí hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Tôi cũng không thể tưởng tượng được, con số này đúng là rất kỳ lạ. Thành phố nào cũng cần có thẩm mỹ, nhưng phải làm thế nào để vừa sạch đẹp nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm”, bà An nói, đồng thời cho rằng, Hà Nội cần xem cách thức quản lý của các thành phố khác như thế nào để quản lý tốt hơn.

Trước con số “giật mình” này, bà An đề nghị xem lại toàn bộ, nếu có sự chênh lệch phải thanh, kiểm tra cho rõ ràng, bởi đây cũng là tiền thu từ thuế của nhân dân.

“Họ làm cái gì với số tiền đó? Tiền công tính ra trên đầu người bao nhiêu, cắt cỏ bằng gì? Cách tính toán chi trả như thế nào ra số tiền đó? Việc này đã diễn ra bao nhiêu năm rồi? Chỉ cần làm thí điểm xem 1 km chi phí hết bao nhiêu thì ra ngay. Nếu thấy chênh lệch giá quá lớn thì nguồn gốc do đâu? Có phải tiền thực sự vào cắt cỏ hết không hay còn thế nào nữa?... ”, bà An cho hay.

“Với một tỉnh nghèo, tổng thu ngân sách mỗi năm chỉ khoảng 800 tỷ đồng, trong khi Hà Nội chi phí mỗi năm tới 700 tỷ đồng cho cắt cỏ, tỉa cây như vậy là quá lớn, mặc dù nguồn thu của thủ đô hàng năm cao. Dừng các hoạt động cắt cỏ, tỉa cây để tiết kiệm ngân sách là rất đúng, bởi Hà Nội còn nhiều việc khác cần đến tiền, như xây cầu, làm trạm xá... Thủ đô nên mạnh dạn đi đầu trong việc tiết kiệm, chống lãng phí”, bà An đề nghị.

Theo Tú Anh – Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên