MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam cần “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế

Theo sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vị Viện trưởng CIEM có nhiều phát ngôn được cho là rất thẳng thắn...

Các nhà lãnh đạo phải vượt lên chính mình, vượt lên tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ ngành địa phương thì mới có thể tái cơ cấu nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh quan điểm này, khi ông khép lại phần trình bày tại diễn đàn “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 12/10.

“Huy động vốn đã tới hạn”

5 năm qua, theo sát quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vị Viện trưởng CIEM có nhiều phát ngôn được cho là rất thẳng thắn. Tại diễn đàn lần này, vấn đề được ông Cung lựa chọn là sắp xếp lại tư duy để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng quan điểm với Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên là khả năng tụt hậu so với các nước, ông Cung thông tin rằng, cứ 10 năm thì tăng trưởng của Việt Nam tụt một điểm phần trăm.

“30 năm đổi mới nhưng nền kinh tế quy mô còn rất nhỏ, nên nếu có tự hào thì cũng nên vừa phải, không nên tự hào quá”, ông Cung phát biểu.

Đề cập vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu là phân bổ lại và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ông Cung nhận xét, trọng tâm mà hệ tư duy chính thức luôn hướng tới là huy động, huy động và... huy động.

“Cùng với huy động thì quan trọng hơn là phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, nếu chỉ huy động mà không phân bổ hiệu quả, thì sẽ xuống hố chứ không phải bay lên”, ông Cung bình luận.

Theo Viện trưởng CIEM thì hiện nay mức huy động đã cao, bội chi cao, nợ công cao và huy động tín dụng cũng cao (3 đơn vị tín dụng mới có một đơn vị tăng trưởng) nhưng hiệu quả đầu tư lại khá thấp.

“Huy động vốn đã tới hạn, vấn đề là phân bố lại và sử dụng có hiệu quả hơn, khơi dòng chảy các nguồn lực xã hội, nếu không sử dụng hiệu quả thì các dòng chảy sẽ khô cạn dần, không thể khơi nguồn để phát triển”, Viện trưởng CIEM nhìn nhận.

“Các nhà lãnh đạo phải vượt lên chính mình”

Phân tích sâu hơn nguồn lực, ông Cung nói, nguồn lực nằm trong khu vực Nhà nước còn quá nhiều, chỉ tính giá sổ sách (chưa tính đất đai, tài nguyên và nhiều thứ khác) đã 400 tỷ USD, nhưng đáng tiếc là hiệu quả cứ thấp dần, làm xói mòn tiềm lực kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Thêm một lần nhấn mạnh sự phân bố nguồn lực nặng về hành chính, cơ chế xin - cho tạo nên một sự sai lệch làm cho nguồn lực kém hiệu qảu lãng phí và thất bại, Viện trưởng CIEM cho rằng trọng tâm tái cơ cấu giai đoạn tới là phải thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực.

“Tái cơ cấu khu vực Nhà nước không chỉ bao gồm doanh nghiệp Nhà nước mà bao gồm cả tài chính công, dịch vụ công, cách thức vận hành nền kinh tế hiện nay”, ông Cung đề nghị.

Với tái cơ cấu ngân hàng, Viện trưởng CIEM cho rằng trọng tâm là phải xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, và việc này cần tách rời ra khỏi việc “trừng trị” các tổ chức gây ra nợ xấu.

Liên quan đến khâu tổ chức thực hiện, ông Cung nhận xét, lâu nay cứ nói nhiều về tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng nó vẫn nằm bên rìa của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

“Chính phủ vẫn phải lo đầu tư bao nhiêu, tín dụng bao nhiêu, giải ngân bao nhiêu, mà chưa nói là sử dụng nguồn lực hiện có là thế nào, trong khi đáng ra đây là tư duy chính”, ông Cung nói.

Kết lại phần trình bày, Viện trưởng CIEM nêu một quan điểm đã có sự thống nhất cao trong giới nghiên cứu, đó là Việt Nam cần có “đội đặc nhiệm” về tái cơ cấu kinh tế, mà ít nhất phải do Thủ tướng đứng đầu.

“Phân bổ nguồn lực là thay đổi quyền lợi, nên rất nhiều người phản đối, không muốn làm vì muốn bảo vệ lợi ích của họ. Vì thế, các nhà lãnh đạo phải vượt lên chính mình, vượt lên tư duy nhiệm kỳ, vượt qua lợi ích cục bộ ngành địa phương, thì mới làm được. Cần thay đổi lại tư duy và cách thức triển khai thực hiện, thì hy vọng mới có thành công”, ông Cung nói.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên