Việt Nam có bao nhiêu khu công nghiệp?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp nhưng chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu quả sử dụng đất tương đối thấp, tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp đạt 4.61 triệu USD/ha.
- 13-09-2023Duyệt quy hoạch khu công nghiệp hơn 180 ha ở Bắc Giang
- 10-09-2023Chuyển hướng phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh
- 05-09-2023Hải Dương sắp có khu công nghiệp gần 1.800 tỷ đồng
Đây là nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong tờ trình Chính phủ, đề nghị xây dựng Luật khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 12/2022, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Tổng diện tích tự nhiên là gần 130.000 ha, trong đó, tổng diện tích đất công nghiệp là hơn 86.000 ha, chiếm khoảng 67%.
Trong số hơn 400 khu công nghiệp này có hơn 290 khu công nghiệp đi vào hoạt động với gần 93.000 ha đất tự nhiên, có 115 khu công nghiệp đang giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Có 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành với tổng diện tích là 766.000 ha. Có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành trong cả nước.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bất nhất là các nhà đầu tư từ Hàn Quốc (gần 2.500 dự án), Nhật Bản (hơn 1.500 dự án), Singapore (gần 450 dự án). Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế đã giúp Việt Nam thu hút được vốn đầu tư lớn, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi không gian phát triển…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Loại hình phát triển chậm được đổi mới.
Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong, ngoài còn hạn chế. Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng do khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở nghị định, trong khi khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động…
Hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung và của khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng thiếu hiệu quả để định hướng dòng đầu tư. Hiện, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế áp dụng chung trên địa bàn cả nước, chưa tính đến một số yếu tố đặc thù về điều kiện phát triển của từng khu kinh tế, chưa phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thiếu chính sách khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư khi thành lập sau và ở địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc xây dựng luật là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Dự thảo luật đề xuất 6 nhóm chính sách thực hiện. Trong đó, các chính sách quy định việc lập phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch tỉnh; quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thành lập khu kinh tế.
Chính sách ưu đãi đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình mới; ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ ... cũng được trong dự thảo.
Tiền phong