MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có đến 53% số doanh nghiệp không có lợi nhuận, 42.000 doanh nghiệp đang chờ giải thể

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố một số liệu đáng chú ý. Trong 8 tháng năm 2018, cả nước có gần 42.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tại Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn vì sao ở Việt Nam có đến 53% số doanh nghiệp không có lợi nhuận, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan khác thì phải chăng do tình trạng vốn mỏng?”.

Lý giải về sự gia tăng số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong 8 tháng qua, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kể từ tháng 4.2018 đến nay, các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về doanh nghiệp nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 9.135 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo một số chuyên gia, điều đáng lo ngại là thời gian qua, phần nhiều số lượng các doanh nghiệp giải thể đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế khi khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP), 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp và tạo nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, thì điều đó cho thấy các doanh nghiệp còn yếu kém trong hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao.

Mới đây, tại Diễn đàn chuyên đề Vốn - Tài chính, với chủ đề “Mở rộng thị trường vốn - tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Tình trạng hiện nay mà Chính phủ rất quan tâm là vốn mỏng của các doanh nghiệp, kể cả các định chế tài chính và ngân hàng. Theo số liệu đến 31.12.2016, có đến 53% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không có lợi nhuận, chỉ có 47% số doanh nghiệp có lợi nhuận và có nộp thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, vì sao hoạt động kinh doanh lại thiếu khả quan? Một nền kinh tế có đến 53% số doanh nghiệp không có lợi nhuận, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan khác thì phải chăng do tình trạng vốn mỏng? Nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp, do đó chi phí tài chính cao cộng thêm các chi phí khác như chi phí tiếp cận thị trường, chi phí logistics, chi phí thương mại... khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa tốt. Kể cả các ngân hàng là nơi cung ứng vốn cho nền kinh tế thì vốn cũng rất hạn chế”.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt - cho biết “Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn của ngân hàng. Trong khi đó, vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là “tín dụng đen”. Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ tín dụng đen.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến số lượng các doanh nghiệp giải thể ngày càng gia tăng. Thứ nhất, do làm ăn thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động vì không huy động được vốn, tài chính để tiếp tục hoạt động. Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu và chiếm tỉ lệ cao nhất trong các doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, do năng lực quản lý, điều hành doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống và không thể phát triển.

Theo Linh Chi

Lao động

Trở lên trên