Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế như dự báo?
Ứng phó những thách thức “bất ổn”, “lạm phát”, “xung đột”, "chi phí đẩy", liệu các động thái siết van tín dụng, nâng dần lãi suất sẽ diễn ra và làm hạn chế tăng trưởng GDP?
- 16-07-2022Tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục tạo động lực khôi phục nền kinh tế
- 14-07-2022Thách thức tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm
- 12-07-2022Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng (*): Nỗ lực giữ đà tăng trưởng
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng vọt ở mức 16,4% trong tháng 4/2022 và cân đối trong ngân sách nhà nước thặng dư liên tiếp 4 tháng cho thấy điều kiện nền kinh tế vận hành tốt và chi ngân sách giảm. Tuy nhiên các điều kiện đã thay đổi dần cho đến gần đây (ảnh minh họa)
Bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu
Bất ổn luôn tồn tại song hành trong sự phát triển và vận hành chung của thế giới, gây ra những hệ lụy khôn lường cho chính trị, kinh tế, và xã hội. Mặc dù vậy, nếu các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sức chống chịu và khả năng ứng phó tốt thì đó chính là bàn đạp để mở ra các cuộc cách mạng mới trong mục tiêu phát triển, định hình chính sách, mô hình kinh doanh, công nghệ và đổi mới sáng tạo, v.v.
Chủ nghĩa dân tộc, mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, điển hình như cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Cạnh tranh địa chính trị của các cường quốc tiếp tục leo thang với tham vọng trở thành người “thủ lĩnh”, dẫn dắt thế giới. Vai trò của luật pháp quốc tế và các thiết chế đa phương đang bị thách thức mạnh mẽ bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương.
Những bất ổn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia giai đoạn hậu Covid-19. Chỉ số bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu (GEPU) tính đến tháng 4/2022 vẫn luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, những thách thức về an ninh phi truyền thống cũng dần gia tăng, liên quan đến an ninh mạng, an ninh kinh tế, lương thực, năng lượng, môi trường, v.v.
Triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thành quả tương đối ấn tượng trong thời gian qua với mức tăng trưởng GDP trong quý I/2022 khoảng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 (Hình 7). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong vùng an toàn với mức tăng 2,1% trong 4 tháng đầu năm, và trọng số chủ yếu đến từ giá xăng dầu (cao hơn 50% so với cùng kỳ). Hoạt động kinh tế cho thấy sự phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng lần lượt ở mức 9,4% và 12,1% so với cùng kỳ, quay trở lại tốc độ như trước khi đại dịch xảy ra.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh trong những tháng gần đây, tương ứng tháng 3 và tháng 4 năm 2022 lần lượt 17% và 25,2%, dự báo xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ở mức 8%-10% trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng nhập khẩu lại không thay đổi nhiều vì sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và chúng ta tiếp tục kỳ vọng những xu hướng tích cực sắp tới bởi lẽ nhu cầu về nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng lên, đồng thời nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn đang tiếp tục phục hồi. Kết hợp với hoạt động du lịch và lượng kiều hối cán cân vãng lai được ước tính đạt mức 1,5% GDP trong năm 2022 và đạt khoảng 2% trong năm 2023.
> Thắt chặt tiền tệ vào nhóm rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế 2022
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng vọt ở mức 16,4% trong tháng 4/2022 và cân đối trong ngân sách nhà nước thặng dư liên tiếp 4 tháng cho thấy điều kiện nền kinh tế vận hành tốt và chi ngân sách giảm. Cuối cùng, nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng mạnh tuy nhiên mức vốn đăng ký lại có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm. Một tín hiệu đáng mừng chính là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đã tăng 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ, tương ứng 73 điểm phần trăm, tiếp tục quay trở lại thời điểm trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư.
Với những dấu hiệu tích cực đó, mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra lần lượt 6,5% và 6,7% cho năm 2022 và 2023. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận mức dự báo tăng trưởng đạt 5,3% trong năm 2022 và sẽ quay về mức ổn định 6,5% ở những năm sau đó. Con số này đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023, mặc dù tổ chức này đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3,6%.
Chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào những con số dự báo nêu trên khi mà ngay từ đầu năm, cụ thể là ngày 11/1/2022, gói giải pháp tài khóa và tiền tệ khoảng 15 tỷ USD để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) giai đoạn 2022-2023 đã được Quốc hội phê chuẩn. Chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như miễn, giảm thuế, y tế, xây dựng và phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, v.v.
Bên cạnh đó, các giải pháp tiền tệ hướng đến mục tiêu cung cấp tính thanh khoản cho thị trường bằng cách giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1% tại các tổ chức tín dụng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%. Nói về chương trình ERDP, các gói kích thích kinh tế từ chương trình này hướng đến việc tăng đầu tư công và kích cầu nội địa, và vạch ra cách thức phối giữa trung ương lẫn địa phương. Cùng với đó, thị trường lao động dần phục hồi tiếp tục củng cố cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Thách thức từ ngã rẽ
Mặc dù vậy, đà tăng trưởng thời kỳ hậu Covid–19 đã phải gặp ngã rẽ khi bất ổn địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang. Các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Đây là nguyên nhân khiến cho giá cả nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm trên thị trường, gây ra lạm phát (do chi phí đẩy).
Trong giai đoạn này, giá xăng dầu đã tăng cao đạt ngưỡng kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Theo dữ liệu của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên cả nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục mới vào ngày 10/5 là 4,37 USD/gallon, vượt qua kỷ lục được xác lập hôm 11/3 là 4,33 USD/gallon trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu toàn cầu phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng vọt. Tại Việt Nam, giá xăng sau phiên điều chỉnh ngày 11/05/2022 đã đạt ngưỡng gần 30.000 đồng/lít. Trước tình trạng này, chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt một phần giá cả xăng dầu trong nước.
Cùng với đó, các động thái siết van tín dụng và nâng dần lãi suất cũng được thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được xem như một loại bệnh đặc hữu để tránh tình trạng nền kinh tế tăng trưởng quá đà dẫn đến mất kiểm soát, khi mà dấu hiệu của lạm phát đang dần hiện hữu.
Khi nền kinh tế toàn cầu dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh, tăng cường thắt chặt tài khóa, các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách giảm mua tài sản, giảm lượng tiền tung vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tập trung thay đổi hướng đi vào các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho việc đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng.
(*PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo-Ths Tô Công Nguyên Bảo - Trần Nhật Hoàng)
Diễn đàn doanh nghiệp