Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thị trường BĐS hưởng lợi lớn
Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam hiện là quốc gia chi mạnh nhất khu vực Đông Nam Á đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chiếm tới 5,7% GDP.
Cùng với đó quá trình đô thị hóa quy mô lớn cùng với triển vọng kinh tế tích cực tạo áp lực phát triển hệ thống hạ tầng mức độ cao tại Việt Nam, đang tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành bất động sản và lĩnh vực logistics.
Tốc độ gia tăng dân cư thành thị (tính theo % tổng số dân cư thành thị) ở Việt Nam đã tăng từ 27% vào năm 2005 lên 34% vào năm 2015 trong khi con số này ở Thái Lan là 50%.
Tuy nhiên, theo CBRE việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ở các nước Asean nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp thách thức lớn, đó là thiếu thiếu sự tham gia của nguồn vốn tư nhân. Theo ADB, hơn 90% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Á đến từ khu vực công.
Hiện tại, cả TP.HCM và Hà Nội đang xây dựng rất nhiều những dự án hạ tầng trọng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh. Đáng chú ý là 2 tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội và 2 tuyến ở Tp.HCM.
Đường sắt đô thị trên cao đang được gấp rút hoàn thành tại Hà Nội và Tp.HCM.
Ngoài ra còn có các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B,... và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch như hành lang kinh tế phía Đông, tuyến đường cao tốc nối TP.HCM và Phnôm Pênh, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.
Một số dự án giao thông trọng điểm đang xây dựng
Đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng: Tổng chiều dài 20km, giảm khoảng cách di chuyển giữa Hạ Long và Hải Phòng từ 60km xuống 20km;
Cầu Bạch Đằng: Giảm khoảng cách giữa Hà Nội và Hạ Long 50km, giữa Hạ Long và Hải Phòng 25km, giảm thời gian di chuyển giữa Hạ Long và Hải Phòng hơn 20 phút;
Sân bay quốc tế Vân Đồn: Sức chứa 2 triệu hành khách/năm và 5 triệu hành khách sau năm 2020;
Quốc lộ 4B và cầu Vân Tiên: Trải dài qua khu kinh tế Vân Đồn, 1,5km cầu Vân Tiên nối khu kinh tế Vân Đồn và huyện Tiên Yên, nâng cao khả năng tiếp cận từ khu kinh tế đến các huyện phía đông Quảng Ninh và biên giới với Trung Quốc.
Tuyến Metro tại Hà Nội (5 tuyến): Hiện sắp hoàn thành tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) khởi công năm 2011 và dự kiến khai trương vào năm 2016 nhưng bị trì hoãn, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2018, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội: chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến hoàn thành vào 2021.
Tuyến Metro tại HCM (8 tuyến): Tuyến số 1 dài 19,7km dự kiến khai trương vào năm 2020, tuyến số 2 dài 48km đang thực hiện theo 3 giai đoạn với giai đoạn 1 dự kiến bàn giao vào năm 2017.
Cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh ở Việt Nam.
Sự phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng những năm qua đã tạo cú hích cho thị trường bất động sản tăng trưởng. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của một số công ty tư vấn bất động sản, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng nhẹ.
Cụ thể, các giao dịch trên thị trường của cả hai quý có mức tăng khoảng 5 - 6% so với cùng kỳ, mặt bằng giá cũng tăng khoảng 5%. Cả Hà Nội và TP.HCM đều duy trì sự ổn định ở phân khúc chung cư. Trong đó, phân khúc trung bình - khá có lượng giao dịch tốt. Phân khúc giá thấp giao dịch hạn chế, do thiếu nguồn hàng. Phân khúc chung cư cao cấp vẫn duy trì được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhưng lượng giao dịch không nhiều.
Theo giới chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định do không có những biến động lớn. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu, trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, đã mang đến những hiệu ứng tích cực. Việc vận hành của thị trường sẽ thông thoáng, minh bạch hơn.
Cũng theo CBRE, bên cạnh những dự án giao thông trọng điểm trong nước, các dự án trọng điểm của các quốc gia kết nối với nhau trong khu vực sẽ có tác động tích cực đến các ngành công nghiệp và bất động sản.
Có thể kể tới một số dự án như: Đường cao tốc có thu phí từ Phnom Penh đến Tp.HCM: 167 km đường cao tốc có thu phí so với 232km như trước đây, giảm thời gian đi lại từ 6h xuống còn 2,3-3h.
Hành lang kinh tế phía Đông (EEC): Một cụm ngành công nghệ cao tập trung vào các ngành công nghiệp cho tương lai như robot, được thiết kế để trở thành trung tâm vận tải thủy ASEAN, kết nối cảng biển sâu Dawei (Myanmar), Shihanoukville (Campuchia) và Vũng Tàu (Việt Nam), dự kiến hoàn thành sau năm 2027.
Đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực giúp đánh giá rõ những tác động tiềm tàng của việc thay đổi động lực phát triển kinh tế trong khu vực. Trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực logistics sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng cường giao thương kết nối trong nội bộ lãnh thổ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhờ các khoản đầu tư lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong dài hạn, sự phân tán trong các khu đô thị cũng như sự mở rộng ra ngoài trung tâm tại các đô thị và các tỉnh thành phụ cận sẽ tạo nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư, chủ sở hữu và cư dân.