Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, đại diện Intel nói gì?
Bộ KH-ĐT đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030
- 20-03-2024Người dùng Facebook và Instagram được giảm phí dịch vụ không quảng cáo
- 19-03-2024Hơn 1.000 lao động buộc phải dừng công việc vì một hòn đá, công nghệ vào cuộc phát hiện kho báu lạ chưa từng thấy trên thế giới
- 19-03-2024Thanh Hóa: Chợ truyền thống phổ biến thanh toán không tiền mặt
Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022 - 2027.
Thông tin trên được ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết tại họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024.
Theo ông Đông, Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 do Bộ KH-ĐT chủ trì, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Meta đồng tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức, cá nhân để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.
Với chủ đề chính liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Theo ông Đông, so với một số quốc gia đã có sự phát triển về ngành bán dẫn từ sớm, được đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam cũng có những lợi thế và tiềm năng nhất định. Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn; tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa.
"Bộ KH-ĐT đang phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030"- ông Trần Duy Đông nêu rõ.
Phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để có lộ trình phù hợp trong việc đào tạo, để đạt mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam, cho biết đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn sẽ có nhiều thách thức.
Dù vậy, từ phía là một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, ông Phùng Việt Thắng tin tưởng đề án sẽ gặt hái được thành công. Ông Thắng cho biết Bộ KH-ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp để ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực cho mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Đại diện Intel cho rằng trong số 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn mà Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo, cần phân loại nhân lực cho từng công đoạn trong chuỗi của ngành bán dẫn, để có lộ trình đào tạo phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, cần có đánh giá đội ngũ nhân lực phù hợp với công đoạn nào trong từng chuỗi để có phương án đào tạo. Phía Intel cũng nhấn mạnh sẽ hỗ trợ các bộ ngành trong việc thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Người lao động