MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam hiện có chưa đến 100 công trình xanh đạt chuẩn

11-09-2017 - 21:00 PM | Bất động sản

Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, Việt Nam hiện có chưa đến 100 Công trình Xanh đạt chuẩn đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và hơn 750 công trình xanh tại Úc.

Đây là nội dung đáng chú ý tại hội thảo “Công trình Xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng thế giới đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển kiến trúc xanh, phương pháp xây dựng xanh nhằm tạo lập những Công trình Xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Do đó việc tạo lập một thị trường bất động sản xanh đang là mục tiêu, định hướng phát triển của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Dự án Diamond Lotus Riverside đạt chuẩn LEED của Phúc Khang

Ông Nguyễn Bá Thành - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết theo các số liệu báo cáo, tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn TP.HCM đã có 7 công trình đạt được các chứng chỉ Công trình Xanh. Trong đó, có 3 công trình chung cư, 2 công trình văn phòng, 1 công trình trường học và 1 công trình công nghiệp. Trong đó, 1 số công trình đạt các chứng chỉ uy tín thế giới như chứng chỉ LEED, EDGE.

Về các cơ chế, chính sách của TP trong phát triển Công trình Xanh, một trong những các biện pháp đã thực hiện trong mục tiêu tiết kiệm năng lượng của ngành xây dựng TP.HCM là đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung. TP đã triển khai tích cực nội dung này, nhất là đối với Công trình Xanh sử dụng vốn ngân sách.

Dù vậy, qua tìm hiểu trên thực tế, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp chứng chỉ Công trình Xanh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại TP.HCM chỉ có một vài dự án như Ehome 5 của Nam Long, Diamond Lotus Riverside của Phúc Khang. Ở phía Bắc có một số dự án như Ecohome của Capital House, Forest In The Sky của Hùng Vương Group. Đại diện một số chủ đầu tư cho rằng, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn ít là do nhiều rảo cản.

Chi phí tăng tối đa chỉ ở mức 5%

Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc R&D Công ty Capital House cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm Công trình Xanh là tư duy, nhiều người vẫn nghĩ rằng công trình xanh chỉ là nhiều cây, công trình xanh rất đắt tiền và khó thu hồi vốn. Rất nhiều chủ đầu tư nghĩ rằng công trình xanh sẽ có mức chi phí cao hơn từ 10 đến 30% so với công trình bình thường. Chính điều này là rào cản không nhỏ cho việc phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

Lấy ví dụ từ thực tế phát triển dự án của Capital House, ông Bách cho biết chi phí đầu tư tăng thêm tối đa chỉ ở mức 5% nhưng lợi ích mang lại rất lớn. Đó là giảm được tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, giảm năng lượng hàm chứa để đem lại lợi ích cho người dân.

Chính vì những lợi ích mang lại lớn nên các nước đi trước đã phát triển công trình xanh từ rất lâu, ông Bách nói và khẳng định trong tương lai gần việc phát triển công trình xanh đối với thị trường bất động sản là một xu hướng tất yếu mà sớm hay muộn các chủ đầu tư phải làm.

Trung tâm hội nghị Tre Việt trong dự án Làng Sen của Phúc Khang

Còn theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn hạn chế là do nhận thức về lợi ích của công trình xanh chưa thực sự đúng và đủ. Các chủ đầu tư dự án trong nước vẫn còn vẫn còn e dè với chi phí đầu tư ban đầu hay quy trình chất lượng được thực thi và giám sát chặt sẽ làm thời gian thi công kéo dài, kéo theo việc giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tâm lý nhiều người mua nhà vẫn có thói quen lấy giá bán làm tiêu chí quan trọng khi quyết định mua nhà để ở hay đầu tư. Yếu tố lợi ích lâu dài như tiết kiệm chi phí hay tính bền vững của công trình còn ít được quan tâm.

“Với những nhà phát triển bất động sản tâm huyết thì việc phát triển Công trình Xanh tuy khó nhưng cũng dễ. “Khó” bởi việc thuyết phục và định hướng thị trường, định hướng khách hàng đến với những giá trị thiết thực hơn trong cuộc sống, đó là giá trị của sức khỏe, sự an toàn, môi trường tự nhiên… Hay nói cách khác, phải cho người tiêu dùng hiểu được Công trình Xanh sẽ mang lại năng lượng sống tích cực cho mỗi cư dân và cộng đồng.

Và “dễ” là ở sự vận hành tư duy sáng tạo, kết hợp cùng quyết tâm cống hiến và hơn cả là Công trình Xanh thu hút thị trường dễ dàng hơn bằng tính nhân văn truyền thống và “xanh chính phẩm” trong từng sản phẩm”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CotecCons Group cho biết xây dựng Công trình Xanh thì phải phát sinh thêm chi phí đăng ký, nên nhiều đơn vị thực tế làm Công trình Xanh nhưng không đăng ký. Theo ông Dương, CotecCons đã tham gia trong vai trò nhà thầu và thiết kế, là một trong những đơn vị đi đầu trong Công trình Xanh, muốn xanh phải sạch, và sử dụng nguyên liệu không nung.

"Cách đây 15 năm, CotecCons đã sử dụng công nghệ mới trong xây dựng nên rất ít xà bần. Phía trước là mặt kính chỉ gắn silicon là hoàn thiện nên tiết kiệm năng lượng, nhân công. Công trình Xanh quan trọng nhất là chủ đầu tư có dám làm, dám hy sinh cho cộng đồng", ông Dương nhận định.

Chi phí vận hành giảm

Bà Vũ Thị Kim Thoa - Trưởng đoàn Tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam cho biết, lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư). Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.

Thực tế các chủ đầu tư có quan tâm đến Công trình Xanh nhưng lại gặp nhiều trở ngại. Muốn xây dựng công trình xanh phải có kiến trúc sư am hiểu về nó, muốn làm công trình phải có tư vấn công trình xanh, phải có vật liệu xanh. Những nhân tố này ở chúng ta chưa có đủ, bà Thoa nói.

Bà Thoa cho rằng, công trình xanh không chỉ là phần xây xanh ở trên mái mà vật liệu cũng phải xanh, tức là quá trình làm ravật liệu xây dựngđó tốn ít dầu, ít than, ít điện, kiến trúc sư phải thiết kế xanh, kỹ sư phải thiết kế hệ thống kỹ thuật trong công trình giảm năng lượng và sử dụng được năng lượng xanh và năng lượng sạch.

Chính vì vậy chủ đầu tư có muốn cũng phải đợi một chút để cho thị trường có đầy đủ các yếu tố đó thì công trình xanh mới đi vào thực tiễn. Và các chủ đầu tư, có thể làm công trình xanh chưa có lợi nhuận ngay nhưng có thể tiên phong làm công trình xanh, lợi nhuận sẽ đến về sau.

Theo Duy Khánh

Người đồng hành

Trở lên trên