Việt Nam hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore
Theo HSBC, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do EU và Singapore (EUSFTA), một cột mốc quan trọng đối với hai nền kinh tế năng động và đối với Việt Nam.
- 05-10-2018Thỏa thuận NAFTA mới có tạo ra cú hích lịch sử cho nền kinh tế Mỹ?
- 04-10-2018Thỏa thuận NAFTA mới không có nghĩa là quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang được cải thiện
- 01-10-2018Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về NAFTA
- 27-09-2018Ông Trump từ chối gặp thủ tướng Trudeau, bầu không khí đàm phán NAFTA ngày càng thù địch
- 25-09-2018Tổng thống Trump, "sát thủ của các FTA", đạt hiệp định thương mại đầu tiên
Với việc loại bỏ gần như tất cả hàng rào thuế quan và giảm rào cản phi thuế quan giữa Singapore và châu Âu, thỏa thuận này mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa và dịch vụ của mình. Hơn nữa, là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên được ký kết giữa EU và một quốc gia ASEAN, thỏa thuận này đặt ra tiền lệ cho phép mở rộng các chính sách thương mại cởi mở, công bằng và dựa trên quy tắc của hai khu vực kinh tế. Việt Nam hiện đang đàm phán với châu Âu về một Hiệp định thương mại tự do tương tự.
Hiệp ước loại bỏ các rào cản thương mại
Thuế suất đối với hàng hóa Singapore đạt chuẩn xuất khẩu vào EU sẽ được bãi bỏ dần theo lộ trình năm năm, giúp các thiết bị điện tử, dược phẩm, hóa dầu và thực phẩm chế biến (trong số những nhóm hàng hưởng lợi chính) trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường EU. Các ngành công nghiệp này chiếm khoảng 10% GDP của Singapore.
Các hàng rào phi thuế quan cũng sẽ được giải quyết để loại bỏ những thủ tục hành chính cồng kềnh và quy trình kiểm tra lặp lại hai lần. Lấy ví dụ, việc đảm bảo áp dụng các chuẩn chung về an toàn và chất lượng xuyên suốt trong một số lĩnh vực nhất định sẽ giúp loại bỏ bớt bước kiểm tra ở cả hai phía của hành lang thương mại. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhóm hàng hóa chính bao gồm điện tử, xe có động cơ và phụ tùng xe, dược phẩm và thiết bị y tế.
EUSFTA mở ra tiềm năng cho chuỗi cung ứng ASEAN
EUSFTA sẽ cho phép một số hàng hóa sản xuất được áp dụng Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN.
Điều này có nghĩa hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp Singapore nhập về từ các nước thành viên ASEAN khác – bao gồm Việt Nam – cũng sẽ được xem là hàm lượng nội địa của Singapore để xác định nguồn gốc của sản phẩm cuối cùng là Singapore. Nói cách khác, một số nguyên liệu đầu vào nhất định sẽ được hưởng chế độ thuế 0% của Singapore với châu Âu.
Nhận xét về cơ hội lớn hơn cho ASEAN, ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết: "Tỷ lệ sản phẩm của Singapore có các thành phần được sản xuất tại các nước ASEAN khác là rất lớn. Với quy tắc của "Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN", nhiều sản phẩm xuất khẩu của Singapore được sản xuất theo chuỗi giá trị nội khối ASEAN có thể được hưởng lợi từ EUSFTA. Điều này tác động đáng kể đến Singapore và khu vực ASEAN bao gồm Việt Nam – trong các lĩnh vực như điện tử và dược phẩm.
Khối ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Singapore. Singapore nhập khẩu 71,06 tỷ USD hàng hóa từ ASEAN vào năm 2017. Hiện tại, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ mười của Việt Nam trên toàn thế giới. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore chủ yếu gồm máy vi tính, hàng điện tử và phụ kiện, điện thoại và phụ kiện, thủy tinh và đồ thủy tinh, máy móc, thiết bị và phụ tùng, hàng dệt may và may mặc, v.v.
Singapore cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam và là nhà đầu tư ASEAN hàng đầu, với khoản đầu tư tích lũy là 43 tỷ USD cho hơn 2.000 dự án. Đầu tư của Singapore tại Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, năng lượng, hậu cần và dịch vụ. Sau khi xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đầu tiên (VSIP) vào năm 1994, hiện nay VSIP đã hoạt động trên toàn khu vực kinh tế phía Nam, Bắc và Trung Bộ, thu hút hơn 10 tỷ USD đầu tư.
Điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ASEAN, trực tiếp sử dụng hơn 2,5 triệu nhân công. Theo Ban Thư ký ASEAN, phần lớn các thiết bị điện tử tiêu dùng trên thế giới đến từ khu vực ASEAN, bao gồm 80% ổ cứng của thế giới được sản xuất ở các nước ASEAN. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu công nghiệp của ASEAN.
Mở đường cho các hiệp định thương mại tự do với các thị trường ASEAN khác
EUSFTA sẽ là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của EU với một thành viên của ASEAN và sẽ là khuôn mẫu cho các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường ASEAN khác.
Hơn nữa, nếu EU ký kết thêm FTA với các quốc gia thành viên ASEAN khác, cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa của khu vực sẽ càng thuận lợi hơn trong các điều kiện cụ thể. EU và Việt Nam đã nhất trí đối với văn bản cuối cùng của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam vào tháng 7/2018. Hiện tại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN sau Singapore, với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro vào năm 2017.
Ông Wong cho biết: "Việc cho phép các nước ASEAN khác thực hiện Cơ chế chứng nhận xuất khẩu hàng hóa ASEAN sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại của toàn khu vực với châu Âu, từ đó mang đến một siêu chuỗi cung ứng mang tính khu vực."
EU tiếp tục đàm phán về FTA với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, và đã ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản hiện đang chờ phê chuẩn.
Nâng cao các tiêu chuẩn
Hiệp định EUSFTA tập trung đẩy mạnh những hoạt động thân thiện với môi trường, loại bỏ những rào cản thương mại và đầu tư trong ngành công nghệ xanh, miễn thuế cho các sản phẩm môi trường.
Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các doanh nghiệp Singapore và ASEAN phát triển theo đúng tiến trình xanh của EUSFTA.
Theo một báo cáo của HSBC công bố đầu năm nay, chỉ 24% doanh nghiệp châu Á có chiến lược ESG so với 48% doanh nghiệp toàn cầu và 87% doanh nghiệp châu Âu và Anh.
Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn ESG của các doanh nghiệp ASEAN theo định hướng của EUSFTA, ông Wong cho biết: "Châu Âu rõ ràng đang dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng ESG và mong muốn của châu Âu đối với việc nâng chuẩn ESG của các đối tác thương mại của mình được thể hiện rõ trong các chính sách của EUSFTA. Điều này có tác động rộng đối với các nước ASEAN".
Theo ông Wong, các doanh nghiệp lớn tại châu Âu mong muốn sự chuyển đổi tương tự về chuẩn ESG đối với các nhà cung cấp của họ. Trong bối cảnh ASEAN đang nhanh chóng trở thành công xưởng trong chuỗi cung ứng cho không ít công ty châu Âu, các nhà cung ứng tại Việt Nam của các công ty châu Âu được kỳ vọng phải thay đổi hoặc sẽ phải chịu rủi ro bị bỏ lại phía sau một khi các hiệp định thương mai tự do có hiệu lực.