MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam không vào rổ ‘review’ của MSCI, khối ngoại sẽ dừng mua ròng mạnh

Cùng với rủi ro Anh rời khỏi EU (Brexit) đang hiện hữu, việc Việt Nam không được vào danh sách ‘review’ của MSCI có thể sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài đừng động thái mua ròng mạnh như đã thấy trong tháng 4 và tháng 5.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về những rủi ro trên thị trường chứng khoán hiện tại.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định hoãn tăng lãi suất, và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng duy trì chính sách tiền tệ sau cuộc họp ngày 16/6 (theo giờ Việt Nam), nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại có phần phản ứng tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), phản ứng đó lại không bắt nguồn từ những quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, mà từ 2 yếu tố khác.

Thứ nhất, MSCI vừa đưa ra đánh giá phân loại thị trường, trong đó có thêm bớt các quốc gia có triển vọng được nâng hạng lên. Việt Nam đã không lọt vào danh sách đánh giá hàng năm này của MSCI (công bố ngày 15/6 theo giờ Việt Nam).

Theo danh sách này, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các thị trường cận biên, cùng với các quốc gia Châu Á khác như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.

Nhiều nhà đầu tư trước đó kỳ vọng Việt Nam có khả năng sẽ được lọt vào danh sách này từ năm 2016, nhưng sau khi có kết quả này, các nhà đầu tư đã chuyển kỳ vọng sang năm 2017 hoặc năm 2018.

Ông Bình cho rằng thông tin này có phần tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết trong làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài giai đoạn vừa qua có một tỷ trọng đầu cơ đón đầu, kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ vào danh sách ‘review’ của MSCI. Tuy nhiên, thông tin trên đã không đạt kỳ vọng.

Có thể thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang ngừng mua ròng, ngừng giải ngân mạnh, và có một bộ phận chủ động chốt lời. Động thái của nhà đầu tư nước ngoài trong 2-3 phiên vừa qua mang tính cân bằng, chứ không tích cực như trước khi họ là yếu tố chính dẫn dắt thị trường.

Thống kê của NDH cũng cho thấy điều đó. Kể từ đầu tuần đến nay, khối ngoại đã bán ròng 4 phiên liên tiếp trên sàn Tp.HCM, ngược với tình trạng mua ròng liên tục trước đó.

Yếu tố tiêu cực thứ hai đến thị trường Việt Nam liên quan đến Brexit, tức khả năng Anh sẽ rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý vào tuần tới. Đây là yếu tố tác động đến thị trường toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với một cú sốc khá lớn của thế giới.

Ông Bình cho rằng yếu tố này đang tác động đến cả thị trường tiền tệ, dầu, vàng, chứ không chỉ chứng khoán, và trước yếu tố mang tính đột biến như thế, nhà đầu tư thường dừng lại để quan sát nên chưa giao dịch mạnh và có một bộ phận nhất định có tâm lý chốt lời.

Khi Anh rời khỏi EU, quan hệ thương mại giữa 2 khu vực này sẽ giảm, theo đó sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của 2 nền kinh tế này. Sức cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh sẽ sụt giảm phần nào, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nói chung của nền kinh tế.

“Động thái giao dịch của khối ngoại sẽ còn ảnh hưởng, vì sau khi Việt Nam không được vào “review list” của MSCI cũng như rủi ro Brexit đang hiện hữu, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dừng động thái mua ròng mạnh như đã thấy trong tháng 4 và tháng 5,” vị chuyên gia của BVSC đánh giá.

Những phiên vừa qua có vẽ cũng đã chứng kiến áp lời nhất định đối với nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh. Các nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu một số ngành như thép, dầu khí hoặc các mã bluechip tăng nóng khác.

Theo ông Bình, hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài là động lực chính dẫn dắt thị trường đi lên trong tháng 5 cùng với câu chuyện của giá dầu, nên giờ đây khi đảo chiều, nó chắc chắn sẽ gây ra rủi ro điều chỉnh đối với thị trường.

Đánh giá về động thái “án binh bất động” của các ngân hàng trung ương, ông Bình cho rằng việc Fed giữ nguyên lãi suất đã được đồn đoán từ trước sau khi bài phát biểu hồi đầu tuần của Chủ tịch Janet Yellen cho thấy khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7 thấp.

Trong khi đó quyết định của BOJ tác động đến thị trường tiền tệ nhiều hơn qua việc tăng mạnh của đồng Yên.

Khi đồng Yên lên giá, Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn là bất lợi, vì Yên là một trong số 8 đồng tiền trong rổ tỷ giá trung tâm mới. Khi đồng Yên tăng, đồng VND chỉ cần đứng yên cũng đã hàm ý giảm giá so với Yên, nên sẽ kích thích xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, đồng Yên tăng thì đồng USD giảm, nên áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam sẽ được giảm thiểu.

Tuy nhiên, một số công ty nhiệt điện của Việt Nam vay vốn bằng đồng Yên sẽ bị tác động tiêu cực, nhưng mức độ tác động đến thị trường chứng khoán không lớn, chỉ mang tính cục bộ.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên