Việt Nam là "hố đen" thu hút các quỹ ngoại?
Theo số liệu của công ty nghiên cứu về quản lý vốn Bain&Company, trong vòng 3 -5 năm tới, sẽ có khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư vào Đông Nam Á. 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là điểm đến quan trọng nhất.
- 02-04-2019Hơn một nửa doanh nghiệp nước ngoài dự định mở rộng đầu tư ở Việt Nam
- 02-04-2019Samsung giúp đào tạo hơn 100 chuyên gia cho Việt Nam
- 02-04-2019TGĐ Vietravel lần đầu tiết lộ lý do muốn thành lập hãng hàng không
Thông tin được ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures đưa ra tại buổi hội thảo gần đây. Như vậy, Việt Nam có thể xem là "hố đen" thu hút lượng vốn lớn từ nước ngoài trong thời gian tới.
"70% số lượng đầu tư vào Việt Nam, Indonesia liên quan đến lĩnh vưc công nghệ, mạo hiểm hoặc các giải pháp để thay đổi các ngành chủ chốt", ông Khanh nói. Nghiên cứu của HSBC cũng đưa ra thông tin là từ năm 2019 – 2030, sẽ có 300 tỷ USD giá trị được tạo ra từ những thay đổi số hoá về công nghệ trong thị trường Việt Nam.
Do vậy, VinaCapital Ventures muốn quỹ của mình trở thành người chắp cánh cho câu chuyện 4.0 cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Trần Nhật Khanh ngoài cùng bên phải
"Trước giờ ở Việt Nam khi nói đến công nghệ thì nghĩ ngay đến công xưởng và những kỹ sư giá rẻ. Chúng tôi muốn xoá đi định kiến đó, đưa những kỹ sư công nghệ Việt đi ra biển lớn với sản phẩm của mình", ông Khanh nói.
Chia sẻ về tiêu chí đầu tư, đại diện của VinaCapital Ventures quỹ sẽ xét trên 3 mảng lớn.
Thứ nhất là thị trường và sản phẩm. "Liệu sản phẩm của các bạn có tạo ra thị trường đủ lớn, có tính cạnh tranh, có mang lại giá trị xã hội hay không?", ông Khanh cho biết. Mặt khác, ông nói rằng sản phẩm đó phải có cả tiềm năng nhân rộng ra khỏi Việt Nam để đi ra Đông Nam Á, châu Á, và toàn thế giới.
Thứ hai, nhà đầu tư sẽ nhìn về con người, tức xem xét kinh nghiệm, tầm nhìn, năng lực thực thi của đội ngũ lãnh đạo startup.
"Chúng tôi thích những đội khởi nghiệp có từ 2-3 người, mỗi người có 1 kỹ năng khác nhau về tài chính, công nghệ, về số, cách bán hàng… hơn là công ty chỉ có 1 người làm mọi thứ", vị này cho biết.
Thứ ba là về thế mạnh cạnh tranh. "Tại sao nhóm của bạn sẽ là người chiến thắng trong lĩnh vực này mà không phải ai khác?", ông Khanh nêu vấn đề.
Tóm gọn 3 tiêu chí này, đại diện VinaCapital Ventures cho biết trong 2 từ: Tâm và Tầm mà nếu thiếu vế nào cũng không được.
Một số lĩnh vực mà quỹ sẽ tập trung đầu tư sẽ gồm dịch vụ tài chính, ngân hàng khi có đến hơn 60% dân số Việt Nam vẫn không có tài khoản. Theo đó, ông Khanh giải thích rằng nhờ vào công nghệ tốt, tỷ lệ này sẽ bị giảm xuống, đưa mọi người tham gia nhiều hơn vào hệ sinh thái số hóa và quản lý nhiều thứ hiệu quả.
"Thị trường này trong vòng 10 - 12 năm tới sẽ đạt khoảng 78 tỷ USD giá trị được cộng thêm", ông cho biết.
Lĩnh vực thứ hai liên quan đến sức khỏe khi hiện nhiều nhiều hệ thống bệnh viện, nhà thuốc vẫn chưa có hiệu quả. Tiếp đến là bán lẻ với thương mại điện tử, dù rằng đây không phải là giải pháp duy nhất. Ngoài ra VinaCapital Ventures cũng rất coi trọng đầu tư vào logistics và vận chuyển.
"Chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 25% GDP, gần như lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là 15% và các nền kinh tế phát triển như Singapore, Hồng Kông từ 7 - 8%", ông nói và cho rằng công nghệ sẽ giúp giải quyết các vấn đề này trong tương lai.