Việt Nam làm điều chưa từng có trong lịch sử, bứt tốc mạnh mẽ ở thị trường 1.800 tỷ USD: Hàng nghìn cái tên vươn ra thế giới
Theo nhà phân tích Ivanov, kỳ vọng Việt Nam 'hóa rồng' là hoàn toàn có cơ sở khi hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã và đang lần lượt đánh dấu chủ quyền công nghệ tại thị trường nước ngoài.
- 27-05-2023Láng giềng ghi nhận 1 tỷ giao dịch với số tiền lên đến 272 tỷ USD, Việt Nam còn nhiều hơn thế
- 26-05-2023Có gì bên trong những kho thuốc "siêu hiếm" ở Thụy Sĩ, nơi WHO lấy 6 lọ thuốc giải độc botulinum để viện trợ cho Việt Nam?
- 23-05-2023Nhiều công ty Trung Quốc ùn ùn chuyển sản xuất sang Việt Nam: “Họ nắm giữ thứ ‘độc nhất vô nhị’, nên đầu tư ngay bây giờ!”
Làm điều chưa từng có trong lịch sử
Theo ghi nhận của hãng tin Sputnik (Nga), trong những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phát triển mạnh, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việt Nam hiện đang đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.
Việc thành lập FPT SemiConductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch đã cho thấy rõ mục tiêu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn mà toàn cầu đang hướng tới.
Năm ngoái, FPT SemiConductor đã chính thức ghi danh trên bản đồ công nghệ chip thế giới khi cho ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí "chip Make in Vietnam, Made by FPT". Đây được xem là một bước đột phá trong hành trình khẳng định trí tuệ Việt.
Trước đó, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đã sản xuất thành công chip dùng cho các thiết bị 5G và dự kiến sớm đưa vào thương mại hóa. Doanh nghiệp này đồng thời thông báo đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset, phần cứng và phần mềm cho 5G.
"Trước đây, lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận việc sản xuất được con chip từ đầu đến cuối. Khi nói tới việc Việt Nam sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip.
Trong khi đó, tập đoàn FPT đã đưa ra chiến lược sản xuất chip với thời gian 10 năm và đang đi từng bước khá thận trọng. Có lẽ, thời gian sẽ là câu trả lời cho những ai chưa thực sự tin tưởng vào 'Make in Vietnam'" - Nhà phân tích Nga Taras Ivanov nhận định trên Sputnik.
"Make in Vietnam" là chiến lược phát triển kinh tế cấp quốc gia được đề xuất lần đầu tiên tại "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam" năm 2019.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT và TT) cho biết, "Make in Vietnam" - "Làm tại Việt Nam" hàm nghĩa người Việt chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.
Bứt tốc mạnh mẽ ở thị trường 1.800 tỷ USD
Ông Ivanov nhận định, chiến dịch "Make in Vietnam" đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền công nghệ số Việt Nam, đưa Việt Nam dịch chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ, giúp giải quyết những bài toán lớn của quốc gia.
Đã có khoảng 60% doanh nghiệp Việt Nam đang làm gia công chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, cho ra sản phẩm mang lại giá trị cao.
Cũng theo nhà phân tích này, tiếp nối thành công của chiến dịch "Make in Vietnam", Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam đã tiếp tục mở chiến dịch đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới.
Giờ đây, tận dụng các thế mạnh hiện có, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bứt tốc mạnh mẽ, khai thác thị trường rộng lớn với giá trị hơn 1.800 tỷ USD. Liên tiếp nhiều doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã chinh phục được thị trường quốc tế.
Thiết bị 5G của Viettel đã thắng lớn tại thị trường nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD, trong khi tập đoàn VinFast ghi dấu cột mốc lịch sử phát triển của hãng khi xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Mỹ.
"Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 2 trên bản đồ số, chỉ sau cường quốc phần mềm Ấn Độ" - ông Ivanov cho hay.
Trước đó, theo đánh giá của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam ước đạt 2 tỷ USD, chiếm 0,1% so với thị trường thế giới là 1.803 tỷ USD. Do đó, cơ hội thị trường là rất lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Một trong những lợi thế lớn mà doanh nghiệp Việt Nam có được khi đi ra toàn cầu là nhân lực giá rẻ, chất lượng cao. Ví dụ, nếu xét trên mặt bằng chung của thế giới, lương kỹ sư Công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao.
Việt Nam cũng có những thế mạnh nhất định về chuyển đổi số. Nếu như trước đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chưa tự tin khi ra thị trường quốc tế thì nay, sau 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, cùng nhiều yếu tố khác, các doanh nghiệp Việt Nam "đang tự tin bứt tốc hơn bao giờ hết".
Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài giờ đây đã trở thành xu thế chung của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ước tính trong số hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đã có khoảng 1.400 doanh nghiệp có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế.
"Thời điểm hiện tại, quyết tâm ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt cũng tương tự như với doanh nghiệp Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. Ấn Độ cũng từng ở vị thế như ở Việt Nam nhưng dần từng bước trở thành trung tâm phần mềm của thế giới" - Ông Ivanov viết.
Theo nhà phân tích, chính phủ Việt Nam đang quyết tâm hơn bao giờ hết khi khẳng định sẽ luôn đồng hành và dốc hết sức hỗ trợ doanh nghiệp số của Việt Nam đang kinh doanh (hoặc có kế hoạch kinh doanh) ở nước ngoài.
"Kỳ vọng Việt Nam 'hóa rồng' là hoàn toàn có cơ sở khi hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã và đang lần lượt đánh dấu chủ quyền công nghệ tại thị trường nước ngoài" - Nhà phân tích Nga kết luận.
Nhịp sống thị trường