MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam mất 5% GDP mỗi năm vì ô nhiễm môi trường

Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Con số này của Trung Quốc là 10%. Với đà này, Việt Nam sắp vượt Trung Quốc về ô nhiễm môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam trong trung hạn - Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường" ngày 18/11, PGS.TS Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Môi trường, Đại học Kinh tế Quốc dân dẫn chứng, theo GSO, trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam có đến 80% đang vi phạm quy định về môi trường.

Trong đó, số doanh nghiệp FDI chiếm tới 60% trên tổng các doanh nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn. Tình hình xả thải ở hầu hết các doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, nghiên cứu về hành vi môi trường của các doanh nghiệp do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện cho thấy có 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nồng độ các chất BOD, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.

Formosa Hà Tĩnh. Ảnh minh hoạ: AFP.

Formosa Hà Tĩnh. Ảnh minh hoạ: AFP.

Nhiều doanh nghiệp FDI liệt kê vào danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm môi trường như: công ty TNHH Huyndai- Vinasin (Khánh Hoà); công ty TNHH Miwon Việt Nam; công ty Tung Kuang; công ty TNHH Mei SHeng Textiles Việt Nam (Trung Quốc). Đặc biệt là vụ Vedan năm 2011 và Formosa năm 2016.

Lý giải điều này, ông Trường cho rằng hiện có đến 80% doanh nghiệp FDI coi môi trường là yếu tố để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã mang công nghệ bị cấm sử dụng ở nước họ sang Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, để tiếp tục vòng đời công nghệ, tranh thủ chi phí đầu tư môi trường thấp, loại thuế, phí đánh vào môi trường thấp hơn ở công ty mẹ.

Tính đến năm 2016, Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 15 Hiệp định thương mại tự do FTA. Khẳng định các Hiệp định thương mại tự do mở cơ hội cho Việt Nam nhưng theo ông Trường các FTA cũng sinh nhiều hệ luỵ về môi trường.

Hiện, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Con số này của Trung Quốc là 10%.

“Nếu đà tăng như hiện nay, Việt Nam sắp vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm”, báo cáo của ông Trường nêu rõ.

Trong đó, thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư vào ngành dệt may, thép, giấy đều là những ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao với hàng loạt dự án vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đăng ký năm 2015, dệt may chiếm khoảng 3,5 tỷ USD. 6 tháng năm 2016, dệt may có 83 dự án, trong đó ngành dệt gần 50 dự án.

Đồng quan điểm với ông Trường, nhiều chuyên gia dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

Để đảm bảo dòng FDI lâu dài, mang lại sự tăng trưởng ổn định, bền vững về cả kinh tế, xã hội và môi trường, ông Trường đề xuất thu hút FDI phải sạch.

"Muốn có FDI sạch phải có công nghiệp phụ trợ. Ngoài tạo nhiều việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá", PGS.TS Đinh Đức Trường khẳng định.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp đảm bảo quy hoạch đồng bộ, phù hợp với kế hoạch tài nguyên môi trường; tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường…

Theo Kiều Linh

Zign News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên