Việt Nam: Nghề 'két-đi' trên sân golf thu nhập bao nhiêu?
Mỗi ca làm việc kéo dài 4-5 tiếng, nhân viên nghề "két-đi" vừa làm hướng dẫn, phục vụ khách chơi golf tại các sân golf nhưng không phải nghề "hái ra tiền".
Chơi golf từng được coi là bộ môn thể thao của giới quý tộc, nhưng những năm gần đây, golf trở nên gần gũi và không còn quá xa lạ với nhiều người. Hàng loạt sân chơi golf ở Việt Nam được xây dựng và đi vào hoạt động.
Theo khảo sát PV Dân Việt tại phía Bắc, phí dịch vụ chơi golf cũng khá đa dạng, tuỳ vào chất lượng, quy mô của sân golf. Đơn cử, sân golf 9 hố Asean Golf Resort (Thạch Thất, Hà Nội) có giá dịch vụ 500 nghìn đồng/ người; sân golf 18 hố tại Hà Nội như: BRG King's Island Golf Resort (sân Đồng Mô), BRG Legend Hill Golf Resort (sân Sóc Sơn)… có giá dịch vụ 1,8 -2,1 triệu đồng/ người; sân golf 36 hố Phoenix Golf Resort (Lương Sơn, Hoà Bình) có giá dịch vụ khoảng 3-4 triệu đồng/ người… Hay thẻ hội viên sân Van Tri Golf Club ở Đông Anh, Hà Nội có giá 50,5 triệu đồng/ người.
Đối với một người chơi golf chuyên nghiệp, ít nhất phải dành ra từ 3 triệu đến 4 triệu đồng cho mỗi lần chơi. Cụ thể các khoản gồm: từ 1 triệu đến 1,8 triệu tiền lệ phí sân tùy sân và thời gian đánh; tiền ăn và các chi phí khác kèm theo từ 1 đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, một bộ gậy chơi có giá từ khoảng 26 triệu đến hơn 800 triệu. Và để trở thành thành viên của một sân golf Việt Nam, người chơi còn phải chi khoảng 10 -15 triệu đồng.
Sự phát triển môn thể thao quý tộc này cũng kéo theo những nghề liên quan nở rộ. Trong đó, đồng hành với mỗi golfer luôn có "két-đi" (tên gọi khác là caddy). Đây là nhân viên hướng dẫn, phục vụ khách chơi golf tại các sân golf trong khu nghỉ dưỡng hoặc sân golf độc lập.
Tại Việt Nam, "két-đi" trên các sân golf đa phần là nữ. (ảnh Golf Việt Nam)
Theo anh Nguyễn Minh Thu - một "két-đi" đang làm việc tại sân golf ở Hòa Bình chia sẻ, người làm nghề "két-đi" yêu cầu đầu tiên phải có sức khoẻ, năng động, ngoại hình và ngoại ngữ. Tiếp đó, mỗi "két-đi" sau khi nhập môn sẽ phải trải qua một khóa huấn luyện ngắn ở sân golf để nắm luật chơi.
"Két-đi" phải học từng chi tiết rất nhỏ như ngắm đường bay của bóng, đoán cách thức chơi cũng như sở trường của người chơi để phục vụ một cách tốt nhất. Không chỉ có các luật chơi, các thuật ngữ bằng tiếng Anh về golf…", "két-đi" Thu chia sẻ.
Về công việc, một "két-đi" thường làm theo ca, công việc chủ yếu của "két-đi" là nhặt bóng, vác gậy, che ô... đi theo khách chơi golf. Những lúc vắng khách thì làm các việc lặt vặt như làm cỏ, tưới cây, phục vụ nước giải khát, lau chùi các cây gậy.
Bên cạnh đó, với nghiệp vụ của mình, "két-đi" phải hướng dẫn khách chọn gậy hoặc lấy số gậy đúng theo yêu cầu khách. Họ phải nheo mắt dõi theo đường bay của quả banh sau mỗi cú đánh. Mỗi lần khách đánh xong, họ lấy túi cát mang theo bên mình lấp mảng cỏ vừa bị gậy sớt đi.
"Mỗi ca làm việc từ 4-5 tiếng, "két-đi" phải chạy theo khách, mang đủ thứ dụng cụ nặng, đặc biệt những ngày nắng nóng. Do đó, caddy không có sức khỏe sẽ không trụ được", Thu chia sẻ thêm.
"Két-đi" là nhân viên hướng dẫn, phục vụ khách chơi golf tại các sân golf. (ảnh Golf Việt)
Theo khảo sát, mức lương cơ bản của nhân viên "két-đi" hiện dao động trong khoảng 2 – 5 triệu đồng/ tháng, tùy vào quy mô từng sân golf. Tuy nhiên, caddy cũng có thêm thu nhập từ tiền "tip" của khách chơi.
Theo chia sẻ của nhiều "két-đi", đây là nghề phục vụ, vì vậy chất lượng phục vụ là yếu tố quyết định. Người Việt chịu chi tiền "tip" cho các caddy hơn người nước ngoài.
Thường thì "két-đi" sẽ được khách chơi "tip" số tiền từ 300-500 nghìn đồng/ ca làm việc. Tuy nhiên, công việc "két-đi" không thể làm 30 ngày đều, do đó thu nhập hàng tháng của vị trí công việc này cao nhất cũng chỉ có thể lên đến 8 – 12 triệu đồng.
Thu nhập không cao nhưng, bên cạnh những người chơi golf coi "két-đi" là bạn đồng hành, tôn trọng họ trong suốt trận đấu thì cũng có không ít người chơi mất bình tĩnh khi đánh nhầm bóng, thua trận và sẵn sàng trút giận, chửi thề, xúc phạm "két-đi".
Bên cạnh đó, những bộ gậy của khách chơi golf trị giá hàng nghìn USD. "Két-đi" phải đặc biệt giữ gìn, bảo quản, bởi không may làm xước, sứt mẻ hoặc lấy gậy của khách ra đánh thử thì sẽ bị đuổi việc vĩnh viễn.
Dân Việt