Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Triều Tiên để "giữ chân" Samsung?
"Việt Nam phải sẵn sàng cho thời gian tới", PGS.TS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) nói và nhấn mạnh nhiều thách thức lớn đang chờ đón khi cạnh tranh trong khu vực trở nên quyết liệt hơn.
- 24-04-2018Từ cái "bắt tay" của Samsung với Bộ Công thương đến cách giải cho bài toán gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt
- 13-04-2018Sếp Samsung Việt Nam: Chiến thắng của đội U23 là bài học để giải quyết vấn đề năng suất lao động thấp
- 02-04-2018Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh: Samsung nâng sản lượng sẽ khiến tăng trưởng của tỉnh đạt mức cao, nhưng không tránh khỏi xu hướng giảm ở các quý tiếp theo
Việt Nam được đánh giá là đã và đang hội nhập rất sâu vào kinh tế thế giới. Do đó, những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng đáng kể lên nền kinh tế trong nước.
Tăng trưởng kinh tế của năm 2018 được PGS. TS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) đánh giá có thể tiệm cận mức 7%, thậm chí còn cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh vùng châu Á đang có nhiều thuận lợi.
Phân tích của TS. Vũ Minh Khương, các nhà đầu tư đang có cái nhìn phấn khích với châu Á, coi đây là điểm đến hoà bình, sau những động thái tích cực của Triều Tiên. "Việt Nam được thụ hưởng những diễn biến đó", TS. Khương nói. Dù vậy, ông thẳng thắn nhận xét Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt. Bởi lẽ, diễn biến thế giới thay đổi rất nhanh chóng, tạo nhiều sự khác biệt lớn.
"Việt Nam phải vượt ra những tư duy cơ sở và quyết liệt tạo lập thiết chế cho tương lai, trong bối cảnh thách thức về thế giới lớn hơn rất nhiều vì cạnh tranh khu vực trở nên quyết liệt hơn", vị chuyên gia đến từ Singapore nói.
TS. Khương cho biết ngành chế tạo của Trung Quốc đến năm 2025 sẽ robot hoá hoàn toàn, dẫn đến nhiều ngành thâm dụng lao động sẽ quay về nước này. Ấn Độ cũng đang trong quá trình phát triển mạnh và khi hàng tỷ người Ấn bước vào ngành công nghiệp sản xuất, Việt Nam sẽ bị kẹp giữa.
Triều Tiên cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai, theo TS. Vũ Minh Khương. Ông đưa ra dự đoán Samsung có thể sẽ chuyển sang nước này để đầu tư sản xuất trong tương lai, trước những diễn biến khả quan của hai miền Nam – Bắc Hàn.
"Việt Nam hiện dựa vào quốc tế nhiều. Đó là điểm thuận lợi nhưng phải biến nó thành bàn đạp để người Việt Nam trỗi dậy, còn sống theo kiểu nhà mặt tiền thì rất khó khăn", ông chia sẻ.
Vừa qua, hãng tin Bloomberg đã đưa ra nhận định Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam để trở thành "cứ điểm" yêu thích của Tập đoàn Samsung nếu Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thực sự có ý định mở cửa đất nước.
Nguyên nhân tình hình Triều Tiên hiện nay được đánh giá khá tương đồng với nền kinh tế Việt Nam năm 1986. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết Triều Tiên có những ưu thế hơn Việt Nam về tiềm lực kinh tế, cơ sở công nghiệp nếu so sánh với mốc thời gian Việt Nam mở cửa.
Bloomberg nhận định Samsung khá sẵn sàng tái cơ cấu địa điểm sản xuất. Số liệu từ Kaesong Industrial Complex của Triều Tiên cho thấy chi phí nhân công ở đây rẻ hơn so với Việt Nam.
Với doanh thu đạt 58 tỷ USD vào năm 2017, Samsung là công ty lớn nhất Việt Nam, vượt PetroVietnam, theo tờ Economist. Samsung đang sử dụng hơn 100.000 công nhân lao động, biến Việt Nam thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 về điện thoại thông minh trên thế giới, sau Trung Quốc. Số liệu cũng cho thấy 1/4 trong số 214 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 thuộc về Samsung.