MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam thất thu thuế vì chuyển giá

Bên cạnh các nhà đầu tư có hiện tượng chuyển giá được đề cập thời gian qua như CocaCola, Keangnam... thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam cũng đang có hoạt động chuyển giá

Ngày 18-5 tại Hà Nội, Oxfam Việt Nam đã có cuộc chia sẻ với các chuyên gia kinh tế và báo giới về công bằng thuế. Đây là một trong những nội dung của chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách" mà Oxfam đang nỗ lực thực hiện.

Chạy đua ưu đãi xuống "đáy"

Theo công bố của Oxfam, các tập đoàn đa quốc gia lớn đang dùng quyền lực chính trị và khả năng tài chính của mình để tránh thuế với số tiền vận động hành lang đã chi lên đến 2,5 tỉ USD. Ước tính, cứ 1 USD mà các công ty này dùng để vận động về thuế, họ giảm được mức đóng thuế xuống 1.200 USD. Các công ty lớn nhất thế giới đang mở chi nhánh tại ít nhất một thiên đường thuế. Hiện mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế được quy định trong luật.

Cũng theo Oxfam, mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỉ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Khoản tiền này có thể giúp 124 triệu trẻ em đang phải bỏ học được đến trường và cứu sống 6 triệu trẻ.


Theo Oxfam, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mỗi năm thất thu đến 100 tỉ USD hoạt động tránh né thuế. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Oxfam, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mỗi năm thất thu đến 100 tỉ USD hoạt động tránh né thuế. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo báo cáo tài khoản quốc gia của Bộ Y tế Việt Nam, năm 2014, cứ 2 đồng chi ra cho y tế thì có gần 1 đồng được trả từ tiền túi của người dân. Việc này gây nên những tổn thất về tài chính, khiến khoảng 600.000 hộ gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở nên nghèo khó sau khi mắc bệnh hiểm nghèo và chi trả chi phí y tế. Tình hình có thể cải thiện nếu nguồn ngân sách nhà nước không bị mất đi từ các hoạt động thất thu thuế và được chi tiêu một cách có hiệu quả.

Song song với các hoạt động tránh thuế của tập đoàn đa quốc gia thì những nước phát triển đang thực hiện các ưu đãi thuế có hại, thậm chí giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) xuống bằng 0%. Đây được xem là một cuộc đua ưu đãi xuống "đáy". Để cân bằng lại những thất thu từ thuế, chính phủ các nước đang tăng áp dụng biện pháp thuế lũy thoái (như thuế GTGT) chi cho dịch vụ công. Điều này làm tăng gánh nặng thuế đối với những người yếu thế.

Liên hệ thực tế ở Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết giai đoạn đầu những năm 2000, Việt Nam có cuộc đua xuống "đáy" rất mạnh mẽ khi 36 tỉnh, thành có văn bản phá rào ưu đãi thuế, đất đai để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nay, về mặt pháp lý không còn những văn bản như vậy nhưng vẫn duy trì những hình thức ưu đãi khác. Chỉ cần xem lịch làm việc của lãnh đạo địa phương là biết tâm lý này vì dành quá nhiều thời gian tiếp nhà đầu tư nước ngoài. Nắm được tâm lý đó, nhà đầu tư đến Việt Nam thường đem dự án "dạo" các nơi, thấy đâu tốt nhất thì mới vào.

Chống chuyển giá chưa hiệu quả

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Úc, cho biết Việt Nam đã có các quy định ngăn ngừa chống chuyển giá từ năm 2010 (Thông tư 66/2010 TT-BTC của Bộ Tài chính) nhưng trong thực tế không có tác dụng.

Ngày 24-2, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-TTg quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5. Quy định mới này khá chặt chẽ so với thông lệ thế giới vì yêu cầu các công ty đa quốc gia phải cung cấp 3 loại báo cáo trong hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, gồm: báo cáo quốc gia, báo cáo tập đoàn và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao. Về bản báo cáo thứ 3, thông lệ các nước chỉ cần công bố báo cáo cho nước sở tại, còn Việt Nam yêu cầu phải cung cấp bản sao báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tối cao.

"Quy định này khiến các công ty nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam đang "náo loạn" để tìm cách đáp ứng. Nó có thể tạo ra một gánh nặng về tuân thủ" - ông Long nhận xét.

Theo ông Long, động lực của vấn đề chuyển giá liên quan đến kỹ thuật và ngành hàng hơn là yếu tố quốc gia. Bên cạnh các nhà đầu tư có hiện tượng chuyển giá ở Việt Nam được đề cập thời gian qua như CocaCola, Kangnam... thì hiện nay, nhiều DN khác cũng đang có hoạt động chuyển giá. Ví dụ, các nhà thầu của các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, hoạt động chuyển giá của các tập đoàn lớn cũng có thể có mặt tích cực là tạo ra sức ép phải thay đổi, nâng cao trình độ quản lý thuế. Song, vấn đề lớn hơn là tạo ra sự mất công bằng về thuế. Hiện nay, khu vực FDI đang tạo ra 73% xuất khẩu cho Việt Nam và cũng chiếm tỉ lệ cao trong giá trị sản xuất nội địa. Các DN nhỏ và vừa ít có khả năng chuyển giá nhưng khả năng này đối với các DN lớn là rất cao.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam, qua đánh giá 30 DN tại Việt Nam, FDI là khu vực ít được ghi điểm nhất về minh bạch thông tin so với nhóm DN nhà nước và nhóm DN niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân là vì ít có văn bản pháp luật quy định cho DN FDI về vấn đề này. "Điều này cũng tương đồng với quan điểm cho rằng Việt Nam quá sùng bái FDI" - bà Viễn nhìn nhận.

15 thiên đường thuế trên thế giới

Theo công bố của Oxfam, Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thụy Sĩ, Singapore, Ireland, Luxembour, Curacao, Hồng Kông - Trung Quốc, Cyprus, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius, quần đảo Virgin - Anh là những thiên đường thuế trên thế giới.

Theo Tô Hà

Người lao động

Trở lên trên