MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tiếp tục là "điểm nóng" của điện than với dòng tiền đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc

Mặc dù không có nhà máy điện than nào tại Việt Nam được xây dựng vào năm 2017 nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo Bùng nổ và thoái trào 2018: Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu, thực hiện bởi ba tổ chức Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm.

Cập nhật từ Hệ thống giám sát Nhà máy điện than Toàn cầu cho thấy đây là năm thứ 2 liên tiếp tất cả các chỉ số về tăng công suất than đã giảm mạnh trong năm 2017, bao gồm các giai đoạn quy hoạch, chỉ số khởi công xây dựng và hoàn thành.

Sự sụt giảm này chủ yếu vì chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách thắt chặt, đồng thời, chính phủ Ấn Độ cắt giảm tài chính và hỗ trợ về chính sách cho than. Trên thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia chi phối sự phát triển công suất điện than mới trong suốt thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, tốc độ mở rộng công suất mới tại các quốc gia khác trên thế giới cũng chậm lại. Sự chậm lại này đang phá kỷ lục trong suốt 3 năm qua. Theo đó, năm 2017, tổng công suất của các nhà máy điện than ngừng hoạt động toàn cầu vượt 25.000 megawatts (MW).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được các tổ chức này nhận định là "điểm nóng" của điện than. Theo đó, dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.

Báo cáo của GreenID – Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính (tháng 5/2017) nêu rõ các dự án này phần lớn đến từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài.

Cụ thể, thời gian qua Việt Nam đã huy động được gần 40 tỷ USD để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than và ước tính cần thêm 46 tỷ USD nữa để hoàn thành kế hoạch đến năm 2030. Trong số đó, Trung Quốc đứng đầu về cấp vốn vay với 8,3 tỷ USD, Nhật Bản là 3,7 tỷ USD, Hàn Quốc là 3 tỷ USD.

Nguồn vốn được cung cấp chủ yếu qua các cơ quan tín dụng xuất khẩu của những quốc gia này, bao gồm Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim), Công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc (K-sure) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Bằng việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam, GreenID nhấn mạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được mục đích mở rộng thị trường cho các công ty thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng của những quốc gia này.

Điều này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, nơi mà hàng loạt các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện than bị giảm thị phần do vấn đề dư thừa công suất điện than, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo. 

Với Trung Quốc, hoạt động cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than còn giúp mở đường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu tài nguyên của quốc gia này, đồng thời nâng cao sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

Như vậy, trong khi những quốc gia cho vay vốn nhận được những lợi ích về kinh tế chính trị thì những gì Việt Nam nhận được là nợ nần và rủi ro về môi trường, sức khỏe và an ninh chính trị quốc gia – theo GreenID.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi sang Việt Nam đầu năm nay khẳng định Việt Nam có cơ hội lớn để dịch chuyển sang các loại năng lượng mới, sạch và bền vững hơn dù sự chuyển dịch là không dễ dàng.

Ông John Kerry khuyến nghị việc dịch chuyển này nên diễn ra vì cái giá cho năng lượng than đá  là không hề rẻ. Công nghệ được xem như chìa khoá của bài toán. Sự phát triển mạnh mẽ của nó đã giúp giảm giá thành sản phẩm. Đơn cử như chi phí sản xuất pin mặt trời đến nay đã giảm khoảng 75%, tỷ lệ này ở điện gió khoảng 40%.

Điều này đã được tái khẳng định trong Báo cáo Giám sát Nhà máy nhiệt điện than toàn cầu. Theo đó, báo cáo nhận định dù sự phát triển của năng lượng mặt trời và năng lượng gió hơi chậm ở Việt Nam, đặc biệt là so với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng sự bùng nổ về công nghệ năng lượng tái tạo là điều hoàn toàn có thể trong tương lai.

Do có đường bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió, và nhiều dự án đã được triển khai tại các tỉnh ven biển phía Nam như Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Các dự án năng lượng mặt trời cũng thường tập trung ở các vùng ven biển nhưng cũng có tiềm năng tại các tỉnh nội địa như Đồng Nai.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên