Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD: Có đáng mừng?
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, nhìn vào con số xuất siêu năm nay, nếu muốn xem có đáng mừng thật hay không thì phải xem xuất khẩu cái gì? Ở khu vực nào, doanh nghiệp nội hay FDI?
- 28-12-2016Năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỉ USD
- 19-12-2016Hết tháng 11-2016: Xuất siêu 2,98 tỷ USD
- 31-10-2016Điện thoại, dệt may và da giày đứng đầu nhóm hàng xuất siêu
Theo số liệu Tống cục Thống kê mới công bố, cả năm 2016, Việt Nam xuất siêu ước đạt gần 2,7 tỷ USD. Như vậy, chúng ta đã xuất siêu trở lại sau một năm nhập siêu (năm 2015 Việt Nam nhập siêu hơn 3 tỷ USD).
Liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế?
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, nhìn vào con số xuất siêu năm nay, nếu muốn xem có đáng mừng thật hay không thì phải xem xuất khẩu cái gì? Ở khu vực nào, doanh nghiệp nội hay FDI ?
Theo ông Bùi Trinh, số liệu cơ quan thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thì khu vực FDI vẫn áp đảo với hơn 70% trong cơ cấu.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại , linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… lên tới cả vài chục tỷ USD.
“Xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng khối FDI sản xuất và những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp.
Như vậy có thể thấy xuất khẩu những sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo dường như là xuất khẩu “hộ” nước khác”, chuyên gia Bùi Trinh nhận xét.
Tuy nhiên, trong bức tranh xuất khẩu năm 2016, chuyên gia Bùi Trinh cho biết vẫn thấy những điểm sáng rất đáng mừng.
Cụ thể, đó là việc tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thuỷ sản (chỉ từ có mặt hàng gạo giảm), giảm dần xuất khẩu “đào” từ tài nguyên thiên nhiên lên bán như dầu thô, than đá…
“Vì sao lại đáng mừng? Vì chúng ta đang đi vào thế mạnh của chúng ta và đáng mừng hơn nữa là đã lâu lắm rồi một số thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng đã được hiện thực hóa.
Tôi thấy cần tập trung vào cấu trúc lại về ngành dựa vào thế mạnh Việt Nam đang có, đừng quá chú trọng vào việc chúng ta xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD, vì những con số mà quên đi hiệu quả thực chất”, ông Trinh nói.
Nhận định về cán cân thương mại trong năm tới, chuyên gia Bùi Trinh bày tỏ kỳ vọng vào những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
“Nhiều chỉ đạo đã đi vào thực tế. Tôi kỳ vọng những hướng đi này sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế, mà cụ thể các doanh nghiệp. Đưa tới một nền kinh tế sản xuất với định hướng không vì tăng trưởng mà bất chấp xuất khẩu ồ ạt. Bản thân các doanh nghiệp khi mạnh lên, năng lực cạnh tranh tốt lên sẽ thúc đẩy xuất khẩu”, ông Trinh nói.
Còn về nền kinh tế thế giới, mà rõ nhất là việc Mỹ có Tổng thống mới và liệu rằng họ sẽ có những thay đổi trong chính sách thương mại đối với các nước, trong đó có Việt Nam, thì theo chuyên gia Bùi Trinh, cần có những phương án chuẩn bị tốt, có kịch bản ứng phó để hạn chế được những tác động xấu.
"Điều quan trọng đối với nền kinh tế bây giờ là phải thực hiện mạnh mẽ và thực chất quá trình cấu trúc lại nền kinh tế. Chuyển đổi tập trung sang phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp và dịch vụ thay vì quá chú trọng vào phát triển công nghiệp khai thác và chế biến chế tạo.
Dịch vụ thì rất nhiều mà trong đó tôi muốn nhấn mạnh đến ngành du lịch. Chúng ta có thế mạnh về du lịch nhưng chưa khai thác được nhiều. Nói chung muốn phát triển được phải khai thác tận dụng vào thế mạnh của mình", chuyên gia Bùi Trinh nói.
Bizlive