Vietcombank, BIDV vừa miễn phí toàn bộ dịch vụ trên ngân hàng số, VietinBank và Agribank thì thế nào?
Việc miễn phí dịch vụ khá dễ "bắt chước", nhưng chất lượng dịch vụ thì khó và mất nhiều thời gian hơn. Do đó, các ngân hàng buộc phải thúc đẩy việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng phục vụ để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, mới có thể có vị thế vượt trội trên thị trường.
- 28-12-2021BIDV bất ngờ tuyên bố miễn phí toàn bộ giao dịch từ 1/1/2022
- 28-12-2021Đang lãi hàng nghìn tỷ từ dịch vụ thanh toán, vì sao Vietcombank đưa ra chính sách miễn phí chuyển tiền online?
- 27-12-2021Vietcombank “chơi lớn”, chính thức miễn phí toàn bộ dịch vụ chuyển tiền từ 1/1/2022
Vietcombank và BIDV mới đây đã có chính sách thay đổi về phí dịch vụ và nhận được sự chú ý lớn của thị trường.
Theo đó, từ 1/1/2022, Vietcombank sẽ miễn toàn bộ phí dịch vụ trên VCB Digibank – Kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân của Vietcombank. Khách hàng thực hiện chuyển tiền sẽ được miễn phí mà không cần đăng ký gói dịch vụ, không yêu cầu số dư tối thiểu.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng miễn toàn bộ các loại phí quản lý và duy trì dịch vụ bao gồm phí duy trì dịch vụ VCB Digibank (mức phí trước đây là 10.000 đồng/tháng) và phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank (mức phí trước đây là 2.000 đồng/tháng).
Tương tự, tại BIDV, từ 1/1/2022, khách hàng cá nhân được miễn toàn bộ phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV, phí duy trì dịch vụ, phí quản lý 1 tài khoản, phí tin nhắn OTT…
Như vậy, chính sách ưu đãi phí dịch vụ của 2 ngân hàng này đã mở rộng rất nhiều so với trước. Năm 2020, Vietcombank và BIDV cũng có chính sách miễn phí dịch vụ trên kênh ngân hàng điện tử nhưng phải đáp ứng điều kiện số dư tối thiểu hoặc bỏ ra phí ban đầu cho các gói tài khoản. Chẳng hạn, Vietcombank từng triển khai 4 gói tài khoản VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro và VCB Advanced, trong đó, để được miễn phí toàn bộ các loại phí giao dịch, KH phải đăng ký gói VCB Pro – VCB Advanced có phí 25.000-39.000 đồng, hoặc duy trì số dư từ 6 triệu – 10 triệu trở lên. Tương tự, BIDV cũng có 5 gói B Free, điều kiện càng cao thì ưu đãi miễn phí càng nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng không biết đến các chương trình miễn phí này, không đăng ký gói dịch vụ nên vẫn phải chịu mức phí không hề nhỏ. Hơn nữa, không phải ai cũng đáp ứng được đủ điều kiện để hưởng các gói ưu đãi của ngân hàng.
Tại VietinBank cũng đang triển khai các gói tài khoản tương tự như trên và chưa miễn phí toàn bộ như BIDV, Vietcombank.
Cụ thể, VietinBank có các gói tài khoản thanh toán: Smart, Basic và Plus, Premium. Khách hàng khi tham gia gói tài khoản Smart, Plus và Premium sẽ được miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, phí duy trì tài khoản, phí duy trì VietinBank iPay, phí duy trì dịch vụ biến động số dư tài khoản. Khách hàng khi tham gia gói tài khoản Basic sẽ được miễn phí duy trì tài khoản, phí duy trì dịch vụ biến động số dư tài khoản qua SMS.
Khách hàng ưu tiên khi đăng ký sử dụng gói tài khoản Premium không cần duy trì số dư tối thiểu, trong khi các gói khác khách hàng cần duy trì số dư tối thiểu từ 2 triệu đồng sẽ được hưởng chính sách phí "0 đồng" tương ứng.
Các khách hàng không đăng ký gói tài khoản sẽ chỉ được miễn phí chuyển khoản trong hệ thống, và vẫn phải chịu phí 8.000 đồng/giao dịch khi chuyển ngoài hệ thống. Ngoài ra, phí duy trì dịch vụ là 9.000 đồng/tháng.
Còn tại Agribank, ngân hàng cũng có động thái mạnh tay miễn phí giao dịch cho khách hàng trong năm nay, tuy nhiên mới chỉ miễn phí giao dịch chuyển tiền. Hồi đầu tháng 6/2021, Agribank tuyên bố miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Agribank trên Internet Banking đối với khách hàng cá nhân; ngoài ra cũng miễn phí chuyển tiền trong hệ thống giảm phí chuyển tiền ra ngoài hệ thống đối với khách hàng tổ chức. Hiện Agribank vẫn thu phí duy trì dịch vụ, đối với khách hàng cá nhân là 50.000 đồng/năm, khách hàng tổ chức là 200.000 đồng/năm.
Các "ông lớn" ngân hàng vốn đi sau trong cuộc đua miễn phí chuyển tiền và các loại phí khác trên kênh Mobile Banking. Trước Vietcombank hay BIDV, Techcombank đã thực hiện chiến lược "zero fee" từ 6 năm trước, sau đó là VIB, TPBank, MSB,… cũng gia nhập xu hướng.
Chiến lược này đã đem lại hiệu quả rất lớn, giúp các ngân hàng tư nhân bứt phá mạnh mẽ ở mảng dịch vụ ngân hàng, thu hút lượng lớn khách hàng, trong đó nhiều người vốn là khách hàng ở những "ông lớn". Nhờ việc tiên phong miễn phí dịch vụ, Techcombank đã vượt qua Vietcombank trở thành ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất hệ thống, nhờ đó có lợi thế chi phí vốn rẻ và NIM cao.
Song bối cảnh hiện nay đã thay đổi khi hầu như ngân hàng lớn nào cũng miễn phí dịch vụ chuyển tiền, và bởi vậy cạnh tranh trong thời gian tới sẽ ngày càng gay gắt. Liệu các ngân hàng có chạy đua tiếp tục miễn phí các dịch vụ khác, hay làm cách nào để vượt trội hơn so với những ngân hàng còn lại? Trên thực tế, việc miễn phí dịch vụ khá dễ bắt chước, nhưng chất lượng dịch vụ thì khó và mất nhiều thời gian hơn. Do đó, các ngân hàng buộc phải thúc đẩy việc chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, mới có thể có vị thế vượt trội trên thị trường.